Người say mê các mô hình nông nghiệp
“Tôi là người “nhiều chuyện”, sểnh ra là nghĩ cái này cái nọ để làm dẫu công việc liên quan đến hoạt động võ thuật chiếm khá nhiều thời gian”, ông Thái Hùng Vinh (SN 1974, ở thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa), võ sư cao cấp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Võ thuật huyện Tuy Phước, vui vẻ tự bạch như vậy.
Sau nhiều mô hình canh tác, giờ ông Vinh đã thành công khi mở lối nuôi lươn không bùn, ương giống lươn. “Hơn 10 năm trước tôi đã mê nuôi lươn. 3 năm trước, tôi cùng một người em thuê hẳn ô tô vào 7 tỉnh miền Nam học kinh nghiệm nuôi lươn không bùn”, ông Vinh mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Ông Thái Hùng Vinh đi tiên phong với mô hình sản xuất lươn giống. Ảnh: H.A
Năm 2019, ông quyết định đầu tư 3 bể nuôi lươn không bùn, diện tích 30 m2/bể. Xây bể xong, trầy trật mãi gần cả năm trời con giống đặt từ miền Nam mới về. Thế là ông Vinh quyết định nghiên cứu nuôi lươn giống và đã thành công khi chủ động được con giống. Hiện, cơ sở của ông có 10 bể nuôi lươn thịt, 5 bể nuôi lươn giống; tới đây ông sẽ đầu tư làm thêm 10 bể nuôi lươn giống nữa. Hiện nay mỗi tháng cơ sở của ông Vinh xuất ra thị trường 3 tấn lươn thịt, 20.000 - 30.000 lươn giống cho khách hàng trong tỉnh và các tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi…
Làm con giống, hay nuôi lươn thịt tiêu thụ đều rất tốt, ông Vinh mở rộng cơ sở, rủ thêm nhiều người cùng sở thích nuôi và đứng ra bao tiêu sản phẩm.
Ông Đoàn Minh Tiến, ở xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ cho hay: Năm rồi tôi tìm đến cơ sở anh Vinh đặt mua 16.000 con lươn giống, giờ đặt tiếp 10.000 con. Con giống chất lượng tốt, anh Vinh còn hỗ trợ chia sẻ kỹ thuật nuôi và nhận bao tiêu sản phẩm nên tôi tập trung nuôi cho đạt, không phải lo khâu tiêu thụ!
Không chỉ nuôi lươn, ông Vinh còn thành công với mô hình trồng nấm rơm, kinh doanh dịch vụ rạp cưới và trồng mai kiểng. Ông Thái Hùng Vinh được nhiều người quý mến vì tạo ra việc làm cho nhiều người, một số hộ khó khăn ông cho mượn vốn không tính lãi; hướng dẫn kinh nghiệm trồng nấm và từ đó giúp 3 hộ thoát nghèo…
Năm 2020, ông Vinh đứng ra tập hợp nhóm cùng sở thích và xin xã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phước Nghĩa. Tổ hợp tác hiện có 8 thành viên, thuê 2 ha đất dự phòng của xã để làm mô hình sản xuất lúa và nấm rơm. “Tôi muốn làm những mô hình sản xuất nông nghiệp để tạo sản phẩm chủ lực cho xã. Ước mơ của tôi hướng đến là thành lập HTX kiểu mới, sản xuất kinh doanh tổng hợp sản phẩm nông nghiệp”, ông Vinh chia sẻ.
HOÀNG ANH