CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN XUÂN PHÚC:
Bình Định giữ vững khát vọng, nêu cao ý chí, đột phá hơn nữa trong phát triển
Ngày 15.2, đoàn công tác Trung ương do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước dẫn đầu thăm và làm việc tại Bình Định. tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đột phá song hành với phát triển bền vững
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh sáng 15.2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước những thay đổi của Bình Định về sự phát triển hạ tầng giao thông và đô thị hóa trong thời gian gần đây. Đồng chí nhận định, trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19, Bình Định đã đạt được những kết quả phát triển ấn tượng. KT-XH của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển, với 15/19 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Trong đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 4,11%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020 (tăng 3,45%) và bình quân chung của cả nước (2,58%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được triển khai quyết liệt. An sinh xã hội được đảm bảo; đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm; hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp từng bước được nâng lên...
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, thời gian tới, Bình Định cần có sự đột phá, bứt phá hơn nữa, thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực để đầu tư phát triển và phát triển bền vững. Việc phát triển KT-XH phải gắn liền với sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, phát huy sức mạnh nhân dân.
Bên cạnh 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Bình Định bổ sung, hiện thực hóa thêm một đột phá về phát triển đô thị. “Không chỉ TP Quy Nhơn, mà các thị xã, các thị trấn, thị tứ đều phải phát triển mạnh mẽ. Đây là tinh thần của Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bình Định cần cụ thể hóa Nghị quyết, trở thành tỉnh dẫn đầu trong thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tư duy phát triển nông nghiệp Bình Định cần chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tập trung xây dựng nông thôn mới. Sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Quy Nhơn - Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn của châu Á. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến sự hài hòa giữa các vùng miền trong phát triển KT-XH, đảm bảo sự phát triển cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bộ phận người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án giải phóng mặt bằng; bảo vệ môi trường...
Bình Định cũng cần chú ý tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ phát triển, quan tâm đến những DN là cánh chim đầu đàn; chú ý đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH. Hạ tầng thông tin, phát triển kinh tế số cần được quan tâm hơn.
Đề xuất phát triển liên kết vùng
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo để xây dựng Cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế. Mặt khác, cần sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng dự án tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long phân tích: “Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát huy các lợi thế về vị trí địa kinh tế, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển KT-XH của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên nói chung và các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Kon Tum nói riêng. Cùng với QL 19, tuyến cao tốc này sẽ tạo thành trục Đông - Tây kết nối khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan với Biển Đông thông qua Cảng Quy Nhơn, tạo động lực phát triển cho hành lang kinh tế Đông - Tây, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên”.
Tỉnh Bình Định cũng đề xuất sớm ban hành Luật về thừa phát lại; có chương trình tổng thể hỗ trợ nguồn vốn xây dựng trụ sở CA xã trên phạm vi cả nước; giải quyết cho cán bộ, công chức, LLVT và người dân trên địa bàn xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi dành cho xã đảo và hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng cho xã đảo. Đề nghị Bộ VH-TT&DL hỗ trợ kinh phí để đầu tư tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, nhất là các tháp Chăm; quan tâm, hỗ trợ sớm hoàn thiện hồ sơ công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Tỉnh đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm giao kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và vốn thực hiện trong 2 năm 2021 - 2022 đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đề nghị Bộ NN&PTNT xây dựng, ban hành Đề án tổng thể về phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu các tỉnh miền Trung giai đoạn 2022 - 2026, đề xuất vay vốn ODA để thực hiện Đề án; đầu tư nâng cấp hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) và hồ Núi Một (TX An Nhơn).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Định và yêu cầu các bộ, ngành Trung ương quan tâm đến các ý kiến này của địa phương.
Nhân dịp năm mới - Nhâm Dần 2022, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc mong Đảng bộ Bình Định phát huy khí thế mới, tinh thần mới, trách nhiệm mới, giữ vững khát vọng, có ý chí cao hơn nữa, đoàn kết để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu mới, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã cảm ơn những tình cảm đặc biệt của Chủ tịch nước, các bộ, ngành Trung ương dành cho tỉnh Bình Định. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, đoàn kết, quyết tâm đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung.
● Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc HẦU A LỀNH
Bình Định là một trong những địa phương hết sức quan tâm đến chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài những chính sách của Trung ương, tỉnh Bình Định đã tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dành nhiều nguồn lực để ưu tiên đầu tư về hạ tầng: Đường giao thông, trạm y tế, nhà văn hóa…; có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Tỉnh đã quan tâm phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Liên quan đến kiến nghị của Bình Định, kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (theo vốn đầu tư công trung hạn và nghị quyết của Quốc hội về phân bổ vốn chi thường xuyên) đã được thông qua. Hiện nay, Ủy ban dân tộc đã tổng hợp xong, đã gửi Bộ KH&ĐT về phương án phân bổ vốn của năm 2021, 2022. Bộ đang thẩm định, tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tới.
● Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy
Theo Quyết định số 1230/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ VH-TT&DL đã có kế hoạch và danh mục các dự án đầu tư thuộc chương trình này. Trong đó, có dự án tôn tạo di tích tháp Dương Long của Bình Định. Đây là cơ sở để các cơ quan chuyên môn xây dựng dự án tôn tạo di tích để gửi Bộ VH-TT&DL tổng hợp, gửi Bộ KH&ĐT triển khai các bước tiếp theo.
Đối với đề xuất quan tâm, hỗ trợ sớm hoàn thiện hồ sơ công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, Bộ VH-TT&DL xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của Bộ. Công tác hoàn thiện hồ sơ còn rất nhiều bước, nhiều khâu, nhưng xin hứa với Chủ tịch nước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trong đó có Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - đơn vị có nhiều kinh nghiệm cùng với địa phương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đúng quy trình, quy định.
● TS Trần Du Lịch, nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ (nhiệm kỳ 2016 - 2021)
Đối với Cảng hàng không Phù Cát, tôi đề nghị nên áp dụng mô hình của Cam Ranh. Đó là làm đường băng thứ 2 bằng ngân sách địa phương; tư nhân sẽ phụ trách xây nhà ga quốc tế. Như vậy, vài năm nữa, Bình Định sẽ có chuyến bay đón khách quốc tế. Đây là bước đột phá đưa du lịch Bình Định thêm phát triển. Bên cạnh đó, Bình Định đang thông qua quỹ đất để huy động vốn. Phải làm sao với nguồn lực này, địa phương chủ động đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH, thu hút các nhà đầu tư.
Tôi tin rằng với hai kiến nghị này, trong giai đoạn tới, Bình Định thu hút nhiều nhà đầu tư, tăng tốc nhanh để trong tương lai trở thành một đầu tàu tăng trưởng của miền Trung - Tây Nguyên, chuẩn bị cho hành lang kinh tế Đông - Tây xuyên suốt mà Bình Định là cửa ngõ ra Thái Bình Dương.
Thực hiện: LÊ CƯỜNG - NGUYỄN MUỘI