GS PHAN VĂN TRƯỜNG NÓI VỀ KHỞI NGHIỆP:
Vừa khó, vừa dễ và cần sự khác biệt
Làn sóng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tại Bình Định đang trên đà phát triển sôi động. Nhằm giúp các bạn trẻ hiểu và định hướng đúng đắn hơn về khởi nghiệp, phóng viên Báo Bình Định có cuộc phỏng vấn GS Phan Văn Trường, một chuyên gia trong lĩnh vực này, nhân chuyến thăm và gặp gỡ đầu năm tại Bình Định.
GS Phan Văn Trường chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với các bạn trẻ Bình Định. Ảnh: HỒNG HÀ
* Chào Giáo sư, là người khởi xướng, sáng lập Hệ sinh thái Cấy Nền tại Việt Nam, xin ông giới thiệu đôi nét về hệ sinh thái này?
Vâng, trước tiên các bạn phải hiểu, DN khởi nghiệp muốn phát triển bền vững cần gắn kết mình trong hệ sinh thái, chứ không nên phát triển đơn độc. Hệ sinh thái Cấy Nền hiểu đơn giản là tạo ra các lớp học ngắn ngày, miễn phí, để mọi người cùng thảo luận, chia sẻ các đề tài về khởi nghiệp. Trong Cấy Nền, mọi người được kết nối với nhau, tương hỗ lẫn nhau, dựa trên 4 nguyên tắc: Bình đẳng - Hồn nhiên - Thẳng thắn & Tích cực. Nghĩa là trong hệ sinh thái này, không có sự phân biệt giàu nghèo, chức vụ, ai cũng có thể vừa làm thầy vừa làm trò, cứ nghĩ gì thì nói nấy, không sợ sai hay bị chỉ trích. Cộng đồng Cấy Nền luôn giúp mỗi người thể hiện được cái tài của mình, không đi theo một khuôn mẫu nào cả.
* Là người định hướng khởi nghiệp cho nhiều bạn trẻ ở Bình Định, ông đánh giá thế nào về tinh thần và phong trào khởi nghiệp tại địa phương?
- Tôi đã đồng hành, dẫn dắt cho hàng chục bạn trẻ ở Bình Định khởi nghiệp trong Hệ sinh thái Cấy Nền. Các bạn rất có tài và tôi thấy có nhiều mô hình khởi nghiệp hay. Tuy vậy, mô hình khởi nghiệp chung tại Việt Nam còn mang tính gò bó, chưa đi sâu vào tạo giá trị. Chúng ta cần có chính sách hỗ trợ về pháp chế, tài chính... nhằm giúp DN khởi nghiệp phần nào hạn chế rủi ro để mạnh dạn dấn thân.
* Bộ sách “Kết tinh một đời” của ông đã được tái bản nhiều lần và được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Ông có thể chia sẻ tóm tắt…
- Bộ sách gồm 3 cuốn: Một đời thương thuyết, Một đời quản trị và Một đời như kẻ tìm đường. Bộ sách tổng hợp những bài học, kinh nghiệm, cảm nhận cuộc sống được tôi đúc kết sau hơn 60 năm làm việc. Các bạn có thể tìm đọc trên mạng. Từ khi cuốn sách xuất bản lần đầu (2014) đến nay, tôi rất xúc động vì nhận được hàng nghìn lá thư của các bạn trẻ tâm sự rằng: Thầy đã thay đổi cuộc đời của con. Đó là niềm tự hào và coi như tôi đã trả chút nợ đối với thế hệ trẻ.
* Với kinh nghiệm bản thân, Giáo sư có thể chỉ ra những khó khăn khi khởi nghiệp và nguyên tắc khắc phục…
- Có 2 việc các bạn nên hứa với tôi là mình sẽ không làm.
Thứ nhất (tôi nhấn mạnh), đó là hễ thấy ai thành công thì bắt chước. Giá trị của các bạn không nằm ở chỗ đi sao chép, mà ở chính bản thân mình. Mỗi người sinh ra đều có khả năng bẩm sinh riêng, không ai giống ai. Các bạn phải biết tạo ra giá trị từ những gì các bạn có. Giá trị nằm ở sự khác biệt.
Thứ hai là các bạn hay lý luận từ đầu vào, thay vì đầu ra. Đã đành là các bạn đều muốn làm những gì mà các bạn biết làm, nhưng hầu hết đều mắc sai lầm khi chủ quan rằng đầu vào của mình là đúng và không bao giờ khảo sát đầu ra. Các bạn phải xác định rõ: Ai là khách hàng, ai là người sẵn sàng mua sản phẩm của mình, vì sao khách hàng thích sản phẩm của mình, giá sản phẩm có hợp lý chưa...
* Vậy lời khuyên dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp của ông là gì?
- Các bạn ạ, khởi nghiệp vừa dễ, vừa khó. Khó là các bạn phải hiểu tất cả những rủi ro của mình và làm thế nào để sử dụng vốn đầu tư hiệu quả. Điều này phải học, học từ những người đã thành công và thất bại. Một khi đã học, hiểu một cách bài bản, các bạn mới có thể phát huy được óc sáng tạo của mình và tạo ra được những gì các bạn muốn.
Mặt khác, muốn khởi nghiệp thành công, các bạn phải có khả năng hiện đại hóa sản phẩm của mình. Sản phẩm đó phải được đổi mới từng ngày, từng tháng và từng năm. Điều đó đảm bảo rằng sản phẩm của các bạn luôn đi theo thời gian.
* Xin cảm ơn ông!
GS Phan Văn Trường, SN 1946, tại Hải Dương. Năm 1970, ông sang Pháp làm việc, trở thành chuyên gia cao cấp về đàm phán quốc tế và giữ nhiều chức vụ như: Tư vấn, quản lý và quản trị cấp cao của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới. Năm 2007, ông được Tổng thống Pháp trao tặng Huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh bậc hiệp sĩ. Hiện, ông là cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế.
Tại Việt Nam, GS Phan Văn Trường được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ từ những năm 1990 khi khởi xướng Hệ sinh thái Cấy Nền và thành lập CLB Khởi nghiệp Nông nghiệp Việt Nam. Trở về nước sinh sống từ năm 2014 đến nay, ông đã có nhiều cống hiến trong việc đào tạo, tư vấn, viết sách báo, đặc biệt đóng góp quan trọng và ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
HỒNG HÀ (Thực hiện)