Xây dựng bản đồ các nhãn hiệu
Tận dụng toàn bộ kho dữ liệu khổng lồ của Google Maps để hỗ trợ tạo bản đồ các nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đó là sáng kiến được Sở KH&CN triển khai nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Theo thống kê, Bình Định hiện có 42 nhãn hiệu (gồm nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể) đăng ký sở hữu công nghiệp qua Sở KH&CN. Số lượng đơn đăng ký bảo hộ gia tăng gần đây khi công tác phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh được đẩy mạnh. Thời gian qua, công tác quản lý các nhãn hiệu được thực hiện theo phương pháp thống kê thủ công, gây nhiều bất tiện và mất thời gian. Bản đồ nhãn hiệu được xây dựng dựa trên nền tảng trang web Google My Maps của ứng dụng bản đồ Google Maps. Trên tính năng cho phép tạo bản đồ của trang web, dữ liệu của các nhãn hiệu được cập nhật một cách hệ thống, bao gồm: Logo, địa chỉ, hình thức bảo hộ, tình trạng pháp lý...
Việc sử dụng bản đồ nhãn hiệu giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Ảnh: HỒNG HÀ
Từ cơ sở dữ liệu trên bản đồ, người xem có thể hình dung khái quát tình trạng các nhãn hiệu đã được bảo hộ, gắn với địa danh của từng địa phương. Ví dụ: Nhãn hiệu Chả cá Quy Nhơn gắn với địa danh TP Quy Nhơn, nhãn hiệu Trà Gò Loi gắn với địa danh huyện Hoài Ân, nhãn hiệu Nem chả Chợ Huyện gắn với địa danh huyện Tuy Phước... Đồng thời, người xem có thể tra cứu nhanh thông tin về các nhãn hiệu và địa danh. Ngoài ra, Google Maps còn hỗ trợ thêm thông tin của chủ văn bằng bảo hộ như: Địa chỉ, số điện thoại, đặc biệt hướng dẫn đường đi tới địa điểm có nhãn hiệu.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, chuyên viên Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN, cho biết: “Dữ liệu được cập nhật trên bản đồ là các nhãn hiệu đã được UBND tỉnh cấp phép có gắn với địa danh của từng địa phương do Sở KH&CN đang quản lý, do vậy có tính xác thực cao”. Bản đồ không chỉ phục vụ tra cứu nhanh, nhận diện thương hiệu của các đặc sản địa phương, mà còn giúp các nhà quản lý có cái nhìn khái quát, toàn cảnh về các nhãn hiệu gắn với các sản phẩm đặc trưng của địa phương để đưa ra định hướng phát triển cho các sản phẩm.
TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu tích hợp tính năng quét mã QR để người xem dễ dàng đăng nhập vào trang web và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, nâng cấp bản đồ thành một phần mềm quản lý mở trên trang web của Sở để tạo thuận lợi cho việc tra cứu, cập nhật và sử dụng dữ liệu trên bản đồ.
KHÁNH LINH