Đưa hoạt động công chứng vào nền nếp
Đưa hoạt động công chứng vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật có ý nghĩa quan trọng để ổn định trật tự xã hội, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.
Ngăn ngừa rủi ro trong công chứng
Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 tổ chức hành nghề công chứng (trong đó có 3 phòng công chứng và 12 văn phòng công chứng) với 34 công chứng viên đang hành nghề.
Năm 2021, tổng số việc đã công chứng là 59.980, chứng thực bản sao 105.433, chứng thực chữ ký 3.337. Tổng số thù lao công chứng thu được hơn 1,12 tỷ đồng; tổng số phí công chứng thu được hơn 24 tỷ đồng, phí chứng thực bản sao gần 890 triệu đồng, phí chứng thực chữ ký hơn 38 triệu đồng; tổng nộp ngân sách Nhà nước, nộp thuế gần 3,5 tỷ đồng.
Hoạt động công chứng tại một văn phòng công chứng ở TP Quy Nhơn. Ảnh: K.T
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Dân, để quản lý tốt hoạt động công chứng, Sở đã phối hợp với các ngành có liên quan ban hành Quy chế phối hợp liên ngành số 01/QCPH-STP-STNMT-CA-THA-VKSND-TAND ngày 9.4.2021 về việc cung cấp thông tin ngăn chặn, thông tin giải toả ngăn chặn đối với tài sản trong các vụ án và tài sản đảm bảo thi hành án trên địa bàn tỉnh, theo dõi sát tình hình và đôn đốc các tổ chức hành nghề công chứng kịp thời cập nhật các thông tin về hợp đồng, giao dịch lên Phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực tỉnh Bình Định.
Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan xây dựng Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công chứng và khắc phục hạn chế, vướng mắc trong hoạt động công chứng.
Đáng chú ý, đã kịp thời cập nhật thông tin ngăn chặn lĩnh vực đất đai vào Phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng với 1.106 thông tin. “Việc cập nhật kịp thời thông tin này (được thực hiện ngay trong ngày làm việc) vào Cơ sở dữ liệu công chứng đã góp phần giúp cho các tổ chức hành nghề công chứng và các đơn vị, tổ chức có liên quan nắm bắt kịp thời thông tin về tài sản, ngăn ngừa rủi ro trong việc thực hiện, giải quyết các thủ tục công chứng, chứng thực, đất đai”, ông Dân nhìn nhận.
Chú trọng kiểm tra, giám sát
Dù vậy, theo ông Phạm Dân, việc cập nhật thông tin về hợp đồng giao dịch công chứng, chứng thực của các tổ chức hành nghề công chứng, phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã chưa đầy đủ theo quy định. Sở Tư pháp đã ban hành các văn bản nhắc nhở, tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị, tổ chức chưa nghiêm túc thực hiện theo quy định.
Ngày 14.1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014. Theo đánh giá tại Hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Công tác quản lý nhà nước còn chưa thực sự sâu sát, triệt để; có lúc, có nơi còn lúng túng, lỏng lẻo. Số lượng công chứng viên tăng nhanh nhưng chất lượng đội ngũ công chứng viên và người giao nhiệm vụ công chứng chưa đồng đều. Chất lượng hành nghề công chứng còn có những sai sót, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với sự phát triển của nghề công chứng, chưa theo kịp tốc độ phát triển của xã hội...
Chưa hết, theo ông Phan Quang Dũng - Trưởng Phòng Công chứng số 3 (Sở Tư pháp), Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, đáng lo ngại là tình trạng giả mạo chủ thể, giả mạo giấy tờ trong yêu cầu công chứng ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, nhiều thủ đoạn. Từ đó, dễ mang đến rủi ro, hệ lụy cho người thực hiện; gây nên tâm lý lo lắng, bất an cho công chứng viên khi hành nghề.
Để đảm bảo hoạt động công chứng ngày càng quy củ, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Đồng thời, triển khai Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn cũng đề nghị Hội Công chứng viên tỉnh giám sát hội viên trong việc tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Hội cần trao đổi, cung cấp thông tin, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công chứng và công chứng viên; báo cáo những hành vi vi phạm và các hình thức xử lý vi phạm của Hội đối với công chứng viên trong quá trình hoạt động hành nghề.
Cùng với đó, cần phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng và triển khai các văn bản pháp luật có liên quan đến hành nghề công chứng nhằm nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, quy tắc ứng xử, đạo đức hành nghề cho tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên.
“Đặc biệt là phối hợp với Sở Tư pháp triển khai, thực hiện có hiệu quả Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp hội viên vi phạm Quy chế quản lý, trách nhiệm phối hợp, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh”, ông Toàn lưu ý.
KHẢI THƯ