Chiến thắng của Tổng thống Putin trước phương Tây trong vấn đề Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giành được chiến thắng trước phương Tây trong vấn đề Ukraine bằng cách tiến hành một cuộc thảo luận về cấu trúc an ninh châu Âu mà Nga giữ vai trò trung tâm, nhà khoa học chính trị Italy Lucio Caracciolo cho hay.
"Hiện còn quá sớm để đưa ra những đánh giá cuối cùng. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng Tổng thống Putin đã giành được thắng lợi về mặt chiến thuật. Ông ấy đã đảm bảo được rằng Nga đạt được một vị thế mà Mỹ không thể phớt lờ khi bắt đầu các cuộc trao đổi Nga - Mỹ về vũ khí chiến lược toàn cầu cũng như cấu trúc an ninh châu Âu và tình hình Ukraine nhằm đảm bảo nước này sẽ không gia nhập NATO. Tổng thống Putin đã khẳng định được rằng Nga là một cường quốc", ông Caracciolo, giám đốc tạp chí địa chính trị Limes của Italy bình luận trong một cuộc trả lời phỏng vấn với La Stampa.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Ông cũng nhắc lại vai trò của Moscow trong việc kiểm soát tình hình ở Kazakhstan và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nước này ở châu Phi.
Chuyên gia này cũng tin rằng Nga không có ý định tấn công Ukraine.
"Viễn cảnh này không thể loại bỏ hoàn toàn nhưng nếu xảy ra nó sẽ là một thất bại về mặt chính trị", nhà quan sát này đánh giá, đồng thời nhận định: "Bằng cách duy trì căng thẳng hiện nay, Tổng thống Putin đã đạt được tất cả mục tiêu của mình khi bắt đầu trao đổi về an ninh toàn cầu".
"Ukraine không phải là một ưu tiên của Washington và họ chỉ có thể dựa vào sự ủng hộ của Mỹ cũng như châu Âu ở một mức độ nhất định. Không có ai cho rằng họ sẽ thực sự gia nhập NATO. Tổng thống Putin cũng đẩy Ukraine đến giới hạn mà nước này không còn là một môi trường thu hút với các nhà đầu tư nước ngoài".
Ông Caracciolo thừa nhận ông không nhận thấy logic nào trong phản ứng của Tổng thống Biden trước cuộc khủng hoảng này. Nhà quan sát Ukraine cũng nhận định, vấn đề nguồn cung khí đốt không có vai trò quyết định trong cuộc đàm phán của Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Moscow.
"Tôi không nghĩ đây là cuộc chiến về khí đốt. Đây là một cuộc chơi địa chính trị chiến lược", chuyên gia này cho hay.
Theo Kiều Anh (VOV.VN)