Chiếc ấn của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ
Bảo tàng Quang Trung hiện trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến vương triều Tây Sơn, trong đó có hiện vật phục chế chiếc ấn của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ với 4 chữ Hán “Triều đường chi ấn” được khắc theo lối triện thư (ảnh).
Theo các nhà nghiên cứu, ngoài các loại ấn triện, như: “Tiên nhu chi bảo” để sắc phong thần linh; “Sắc mệnh chi bảo”, “Quảng vận chi bảo” để chỉ dụ, sắc phong cho các tướng lĩnh; vương triều Tây Sơn còn sử dụng ấn triện “Triều đường chi ấn” dưới thời vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Dấu triện son của ấn “Triều đường chi ấn” được các nhà nghiên cứu tìm thấy trên nhiều văn bản, tờ truyền niên hiệu Quang Trung năm thứ 5 (năm 1792), hình vuông, có kích thước 11,3 x 11,3 cm. Đây là ấn của triều đình, có thể xem như biểu tượng linh thiêng của nhà vua. Ấn triện “Triều đường chi ấn” của vương triều Tây Sơn có chức năng tương tự như ấn “Công đồng chi ấn”, “Đình thần chi ấn” của triều nhà Nguyễn - được dùng vào những văn bản hành chính quan trọng dưới chiếu, chỉ, dụ, cáo, sắc phong của Vua.
Với những dấu triện son sử dụng riêng trong từng loại sắc phong thời Tây Sơn còn lưu giữ được, cùng với chính sách phong sắc mang nhiều nét riêng có, các nhà nghiên cứu cho rằng cần nghiên cứu sâu thêm về ấn triện dưới thời Tây Sơn.
NGỌC NHUẬN