Cả nhà cùng mê bài chòi
Ở huyện Tuy Phước, có một gia đình mà cả 5 thành viên cùng niềm đam mê hô bài chòi. Ðó là gia đình anh Trần Ðình Dư (50 tuổi) và chị Huỳnh Thị Ðiệp (49 tuổi), ở xóm 10, thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa. Với họ, bài chòi là mạch nguồn gắn kết các thành viên với nhau, tạo nên mái ấm gia đình rộn tiếng cười.
Anh Dư cho biết, bản thân rất mê bài chòi, nên cứ mùng 1 Tết hằng năm, anh cùng vợ, các con đến lễ hội chợ Gò, thị trấn Tuy Phước để xem hội đánh bài chòi dân gian. Các anh, chị hiệu hô bài chòi khiến anh say mê từng nhịp điệu, ý nghĩa câu thai. Khi thấm cảm được ý nghĩa sâu xa của những câu thai, anh thường đọc thầm trong miệng, rồi về nhà viết lại trên giấy học theo.
Gia đình anh Trần Đình Dư tập hô bài chòi. Ảnh: TRỌNG LỢI
Đến năm 2015, hay tin Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước mở lớp tập huấn bài chòi cổ dân gian, anh liền đăng ký tham gia. Như “cá gặp nước”, sẵn có chút năng khiếu qua chất giọng tốt, hô hát rõ ràng, lại được sự dìu dắt tận tình của Nghệ nhân nhân dân Minh Đức và Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú, khả năng diễn xướng hô hát của anh Dư ngày càng tiến bộ.
Nhận thấy anh Dư có nhiều tố chất để trở thành anh hiệu, Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo; đồng thời, tạo điều kiện để anh tham gia nhiều hơn các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, hoạt động biểu diễn văn nghệ vào các dịp lễ, hội của huyện, tỉnh. Và anh Dư đã đáp ứng tốt sự tin cậy đó. Từ ngày biết hô bài chòi đến nay, tại các kỳ liên hoan Hội đánh bài chòi dân gian huyện Tuy Phước, anh Dư thường không có “đối thủ” xứng tầm ở nội dung cá nhân “nam hiệu bài chòi”.
Thấy ông xã hô bài chòi ngày một hay, vợ anh Dư - chị Huỳnh Thị Điệp thêm ái mộ các làn điệu dân ca này. Sau đó, chị cũng đăng ký tham gia các lớp tập huấn bài chòi cổ dân gian do huyện Tuy Phước tổ chức. “Từ năm 2018 đến nay, đợt tập huấn nào tôi cũng tham gia. Ở đó, tôi được các nghệ nhân truyền dạy cách hô bài chòi, chạy hiệu bài chòi, học diễn các vai đào con, kép con rồi đào em, kép em… Vì đam mê bài chòi nên tôi theo lớp khá nhiệt tình”, chị Điệp vui vẻ kể.
Với chất giọng cao, lại thuộc nhiều câu hát cổ, dân ca, chị Điệp bắt nhịp nhanh chóng nghiệp hô bài chòi. Giờ đây, vợ chồng anh Dư, chị Điệp trở thành hạt nhân nòng cốt của CLB Bài chòi xã Phước Nghĩa, tham gia trình diễn ở nhiều hội đánh bài chòi dân gian do tỉnh, huyện, xã tổ chức.
Anh Dư cho biết, để trở thành một anh hiệu, cần phải luyện tập rất công phu, đặc biệt phải giữ được chất giọng, cách diễn xướng. Không chỉ phải nhớ và thuộc nhiều câu thai khác nhau, ứng với ý nghĩa của các thẻ bài, anh hiệu còn phải biết ứng biến linh hoạt với từng cuộc chơi, vận dụng các bài ca dao, dân ca vào những tình huống hợp lý. Chơi bài chòi là chơi hội, nên các anh hiệu phải diễn trò giỏi, trò diễn mang tính hài hước, vui nhộn mới tạo ra không khí vui vẻ, thoải mái cho tất cả mọi người bằng các câu hát của mình.
Vừa say sưa giới thiệu với tôi các điệu bài chòi, anh Dư cầm ống thẻ rung rung mấy lượt, rồi rút thẻ hô bài làm ví dụ: “Gió sao gió mát sau lưng/ Bụng sao bụng nhớ người dưng thế này/ Vợ đôi chồng một ra gì/ Mỗi người một bụng ở thì sao nên….”
Niềm đam mê bài chòi của vợ chồng anh Dư cứ thế truyền sang mọi người trong gia đình này. Và, 3 cô con gái lớn lên cũng nặng lòng với bài chòi như cha, mẹ. Đặc biệt, cháu Trần Thị Như Long (10 tuổi), học lớp 4C, Trường Tiểu học Phước Nghĩa biết hô bài chòi khi mới 7 tuổi. Trong liên hoan Hội đánh bài chòi dân gian huyện Tuy Phước lần thứ V - năm 2020, Như Long được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen thí sinh đạt giải “Hiệu bài chòi nhỏ tuổi nhất”. Hiện nay, Như Long là thành viên CLB bài chòi huyện Tuy Phước.
Ngôi nhà nằm sâu trong xóm 10, thôn Huỳnh Mai của vợ chồng anh Trần Đình Dư và chị Huỳnh Thị Điệp thường vọng tiếng hô bài chòi rộn ràng, vui tươi của các thành viên trong gia đình. Những lời ca cất lên như là tiếng lòng của những người con trên vùng đất sản sinh ra bài chòi, góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống quê hương.
TRỌNG LỢI