Tích cực phòng, chống Covid-19 tại các cơ sở trợ giúp xã hội
Người cao tuổi, trẻ em khuyết tật, người có vấn đề về sức khỏe tâm thần đều là những đối tượng đa bệnh tật, nhiều bệnh lý nền. Trước diễn biến khó lường của Covid-19, các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh luôn chủ động và linh hoạt triển khai các giải pháp phù hợp để duy trì, nâng cao sức khỏe cho nhóm đối tượng này.
Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đội ngũ cán bộ, nhân viên các cơ sở trợ giúp xã hội trong tỉnh trở lại làm việc với tâm thế phải nỗ lực nâng cao chất lượng nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua khảo sát, các đối tượng đủ điều kiện về sức khỏe đều được tiêm vắc xin phòng dịch.
Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn tiếp nhận quà của các tổ chức từ thiện để chăm lo cho đối tượng dịp tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: N.T
Đến nay, tất cả cán bộ, nhân viên và 523 đối tượng của Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn đã được tiêm vắc xin mũi thứ 3. Ông Đoàn Thế Tuấn, Giám đốc Trung tâm cho biết, tình hình sức khỏe của đối tượng và cán bộ hiện tại đều ổn định, đơn vị chưa ghi nhận trường hợp F0 nào. Sau khi hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi thứ 3, Trung tâm đã cho phép người nhà đến thăm đối tượng, để một số người đỡ nhớ nhà, bỏ tư tưởng trốn về.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Trung tâm đã hoạt động rất tích cực, thời gian qua triển khai nhiều giải pháp linh hoạt với diễn biến thực tế nên đạt được kết quả như mong muốn. Chẳng hạn, giai đoạn dịch diễn biến căng thẳng, Trung tâm quyết định “chốt quân” tại chỗ với phương châm “nội bất xuất ngoại bất nhập”.
“Giờ dịch không còn căng nữa, mọi người đã tiêm mũi thứ 3 rồi, những lúc đối tượng tỉnh táo, các thành viên trong Ban chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho họ. Nguồn lây được chú trọng nhất hiện nay là từ đội ngũ cán bộ, nhân viên. Vậy nên, từng người đều hết sức quan tâm đến sức khỏe bản thân, cảm thấy có gì bất thường là báo cáo với lãnh đạo Trung tâm ngay”, ông Tuấn chia sẻ.
Sau tết Nguyên đán, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp tục nhận được sự đồng thuận của 96 đối tượng về việc “hạn chế ở mức thấp nhất việc đi ra ngoài”. Theo lãnh đạo Trung tâm, đây là điều rất đáng phấn khởi, cho thấy nhận thức của từng người đã được nâng cao rất nhiều.
Trong giai đoạn hiện nay, tăng cường sức khỏe cho đối tượng bảo trợ xã hội là một trong những giải pháp thiết thực mà toàn bộ cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh đang tích cực thực hiện. “Chúng tôi mua lương thực, thực phẩm phục vụ đối tượng chu đáo, đầy đủ, đảm bảo tươi ngon. Thực hiện tốt quy định của bếp ăn một chiều, duy trì chế biến thực phẩm sạch tại chỗ. Cơ cấu thực đơn hằng ngày phù hợp, đảm bảo khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Số đối tượng sa sút sức khỏe, già yếu có chế độ chăm sóc, bồi dưỡng riêng”, ông Đoàn Thế Tuấn cho hay.
Thời gian đầu, khi được đề nghị không rời đơn vị, nhiều người tỏ ra bức xúc, thậm chí so sánh với cán bộ, nhân viên. Lãnh đạo Trung tâm chọn phương án tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, rồi “người thật việc thật”, dần dà từng người nhận ra “lợi bất cập hại” nếu tự do ra ngoài. Đối tượng ở tại chỗ bí bách, Trung tâm tạo việc làm, tạo niềm vui cho họ bằng cách dạy nghề làm mây đan, rồi nhận hàng về giao cho những người có khả năng phù hợp. Thi thoảng, lãnh đạo Trung tâm tổ chức gặp mặt, tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng những người thực hiện tốt quy tắc 5K.
“Đều đặn 1 - 2 tuần một lần, Trung tâm tổ chức phun thuốc sát khuẩn phòng, chống Covid-19 toàn bộ ngóc ngách. Ngoài ra, chúng tôi tiến hành đo thân nhiệt đối tượng mỗi ngày. Với số người có sức khỏe yếu hoặc không khỏe như mọi khi, chúng tôi tổ chức truyền dịch, cấp thuốc bổ, cấp vitamin C, làm nước cam cho uống và theo dõi sát sao”, Giám đốc Trung tâm Phan Đình Nhiệp cho hay.
Hơn một tuần qua, Trường Mẫu giáo Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn cũng đã tổ chức tiếp nhận lại trẻ. Nhận định khả năng dịch phức tạp hơn trước nên Ban Quản lý Làng thường xuyên nhắc nhở và theo dõi sát sao mọi triệu chứng về sức khỏe của trẻ. Giám đốc Làng Nguyễn Xuân Cương đã lập ra một số nhóm zalo như nhóm mẹ - dì, nhóm nhân viên, nhóm giáo viên và yêu cầu các thành viên trong nhóm báo cáo những biểu hiện về sức khỏe không chỉ của bản thân, của trẻ mà cả của những người thân của họ.
“Chiều 17.2, Làng đã tổ chức test nhanh cho 6 người có biểu hiện đau họng, ho, sổ mũi. Kết quả đều âm tính. Xác định sẽ tốn kém nhưng Làng quyết tâm thực hiện thật chặt công tác phòng, chống dịch”, ông Cương thông tin.
NGỌC TÚ