“Trường Sa 1988”: Lật lại những tư liệu cũ về sự kiện lịch sử Gạc Ma
Cuốn sách lật lại những tư liệu lịch sử về sự kiện Gạc Ma năm 1988, giúp thế hệ trẻ hôm nay có cái nhìn chân thực về lịch sử; từ đó ý thức được trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Cuốn sách do Phanbook và NXB Đà Nẵng ấn hành. (Ảnh: Phanbook)
Cuốn sách “Trường Sa 1988-Hồ sơ một sự kiện lịch sử” của nhà nghiên cứu Võ Hà (sinh năm 1984) có thể giúp độc giả trẻ hôm nay tiếp cận lại những tư liệu, những quan điểm chính thống của Việt Nam cách đây hơn 30 năm về biển đảo.
Sách do Phanbook và NXB Đà Nẵng ấn hành, dày hơn 500 trang, được chia thành năm phần: Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép một bộ phận quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988; Căn cứ lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa năm 1988; Dư luận thế giới về sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa năm 1988; Vì Trường Sa thân yêu và Nơi tuyến đầu Trường Sa.
“Cuốn sách ra đời với mong muốn bổ sung các thông tin, tài liệu về sự kiện lịch sử này; làm rõ hơn các căn cứ lịch sử, cơ sở pháp lý của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa tại thời điểm năm 1988”, tác giả Võ Hà cho biết.
Nhà nghiên cứu lịch sử Võ Hà. (Ảnh: NVCC)
Từ hơn 10 năm trước, Võ Hà đã nhận thấy một khoảng trống trong hiểu biết của bản thân về lịch sử Trường Sa-Hoàng Sa dù bản thân học chuyên ngành sư phạm lịch sử. Anh quyết định tự tìm hiểu và rồi từ cái nhìn của một người trẻ, Võ Hà có suy nghĩ rằng thế hệ trẻ Việt Nam cũng cần sự bổ khuyết giống như mình.
“Việc tôn trọng lịch sử, biết đúng sự thật lịch sử giúp chúng ta rút ra những bài học đúng đắn trong quan hệ quốc tế và trách nhiệm với xã hội của mỗi người”, tác giả Võ Hà khẳng định.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho rằng đặc điểm nổi bật nhất của “Trường Sa 1988-Hồ sơ một sự kiện lịch sử” là nguồn tư liệu chính thống thể hiện rõ quan điểm, lập trường, quyết tâm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng là của toàn thể dân tộc Việt Nam: Báo Nhân dân và Báo Quân đội nhân dân (các bài báo xã luận, bài viết, ký sự... được đăng báo từ tháng 2 đến 6.1988, nghĩa là trước và sau sự kiện Gạc Ma ngày 14.3.1988).
“Cuốn sách này không chỉ đơn thuần là kết quả của việc tìm kiếm sao chép các tư liệu cũ mà còn đòi hỏi năng lực chọn lọc, sắp xếp các tư liệu ấy theo nhiều khía cạnh khác nhau của cùng vấn đề, sao cho mỗi tư liệu có thể tự nói lên đúng sự thật lịch sử”, ông nhận xét.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho hay các công trình nghiên cứu về Biển Đông nói chung và Hoàng Sa-Trường Sa nói riêng của Việt Nam vẫn còn khá ít so với thực tế lịch sử và nhu cầu của độc giả. Đặc biệt, còn khá ít so với số lượng công trình, bài viết về Biển Đông đã xuất bản của Trung Quốc. Do đó, đây là một tác phẩm quan trọng, góp phần phục vụ bạn đọc nói chung và đối tượng giảng viên, sinh viên nói riêng hiểu hơn về lịch sử với những sự kiện không thể nào quên và không được phép quên.
Theo Minh Thu (Vietnam+)