ASEAN: Hội nhập sâu hơn sẽ thúc đẩy tài chính, du lịch của khu vực
Nghiên cứu cho thấy phần lớn các doanh nghiệp ASEAN hài lòng với mức độ hội nhập hiện tại, đồng thời mong muốn tăng cường và mở rộng hơn nữa các sáng kiến hội nhập.
Ngày 17.2, Ban thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức Đối thoại Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) lần thứ 7 nhằm thảo luận về các phát hiện và khuyến nghị trong Nghiên cứu tâm lý kinh doanh ASEAN 2020-2021, đánh giá tâm lý của các doanh nghiệp khu vực đối với việc thực hiện Kế hoạch tổng thể AEC 2025.
Hội nhập sâu hơn sẽ thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực tài chính và du lịch của khu vực. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Được công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Strategy 3 tiến hành vào năm 2021 với sự hỗ trợ của chính phủ Australia thông qua Chương trình hợp tác phát triển ASEAN-Australia giai đoạn II, nghiên cứu nói trên đi sâu hơn vào tâm lý tự do hóa thương mại dịch vụ, trong đó tập trung vào các ngành dịch vụ chính như dịch vụ tài chính và dịch vụ du lịch.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách AEC Satvinder Singh cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn các doanh nghiệp ASEAN hài lòng với mức độ hội nhập hiện tại, đồng thời mong muốn tăng cường và mở rộng hơn nữa các sáng kiến hội nhập.
Phó Tổng thư ký Satvinder lưu ý một số lĩnh vực cần cải thiện được xác định trong nghiên cứu, nhất là thách thức của các doanh nghiệp khu vực trong việc tiếp cận thông tin và nắm bắt các sáng kiến cũng như các thỏa thuận của ASEAN, để có thể khai thác tốt hơn các quy định tạo thuận lợi thương mại và đầu tư hiện nay của ASEAN.
Về phần mình, Phó Tổng cục trưởng Thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Campuchia Khuon Virak đã chia sẻ các hoạt động kinh tế ưu tiên đối với khu vực tư nhân trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2022 của quốc gia này.
Cuộc thảo luận đã nhấn mạnh sự cần thiết đơn giản hóa các thủ tục cấp phép nhằm thúc đẩy đầu tư trong khu vực, hài hòa hóa các quy định chia sẻ dữ liệu, phát triển tài năng kỹ thuật số, và thiết lập hệ sinh thái chính sách có lợi để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp ASEAN.
Trong khuôn khổ Đối thoại, cuộc thảo luận về dịch vụ du lịch đã nhấn mạnh nhận thức về Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong nghề du lịch và sự cần thiết đẩy nhanh việc mở lại biên giới một cách an toàn nhằm tái khởi động ngành công nghiệp du lịch hậu đại dịch Covid-19.
Cả hai cuộc thảo luận đều ghi nhận sức hút của ASEAN đối với các nhà đầu tư toàn cầu, đồng thời khẳng định rằng hội nhập sâu hơn sẽ thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực tài chính và du lịch của khu vực.
Đối thoại AEC lần thứ 7 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, thu hút sự tham dự của hơn 90 đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân của các nước thành viên ASEAN.
Theo Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)