Tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số
(BĐ) - Sáng 18.2, Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh họp đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện chuyển đổi số của tỉnh trong năm 2021. Đồng chí Nguyễn Phi Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo và đồng chí Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo đồng chủ trì cuộc họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: HỒNG HÀ
Năm 2021, Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh (BCĐ) quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử và đem lại một số kết quả tích cực. Mạng lưới số liệu chuyên dùng cấp II được triển khai đến cấp xã; Mạng nội bộ (LAN) được triển khai hầu hết trong các cơ quan nhà nước; Hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh đã kết nối liên thông 4 cấp phục vụ các phiên họp từ Chính phủ đến cấp xã; Các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung tạo nền tảng phát triển ứng dụng CNTT đã được hình thành như: Hệ thống văn bản chỉ đạo và điều hành, hệ thống cổng dịch vụ công và một cửa điện tử... Các sở ngành và địa phương đã quan tâm đầu tư cho ứng dụng CNTT, trong đó, 100% sở ngành và UBND cấp huyện đã có cổng/trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến cho người dân; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước đạt 100%. Công tác ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử được tăng cường. Kết quả, Bình Định được xếp thứ 13/63 tỉnh thành về Chỉ số về chuyển đổi số năm 2020.
Tuy vậy, kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước vẫn còn tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước cũng như giữa các cơ quan Đảng với cơ quan nhà nước còn hạn chế. Nguồn nhân lực chuyên trách về ứng dụng CNTT và an toàn thông tin mạng hiện nay trong các cơ quan nhà nước còn thiếu và yếu. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn gặp nhiều thách thức.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực tỉnh Bình Định đạt được trong những năm qua về công tác chuyển đổi số. Để triển khai hiệu quả chuyển đổi số năm 2022, đồng chí yêu cầu các cấp, ngành tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đưa băng thông rộng phủ sóng toàn bộ thôn, xã trong toàn tỉnh; đặc biệt huy động sự tham gia của các cấp, ngành trong việc xây dựng kho dữ liệu số của tỉnh, được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất trong chuyển đổi số. Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức người đứng đầu, người lãnh đạo, quản lý và cộng đồng; nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân để hình thành công dân số.
Cuộc họp cũng xem xét đề xuất kiện toàn và đổi tên Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định thành Ban chỉ đạo chuyển đổi số.
HỒNG HÀ