Phát huy tốt vai trò, tiếp tục đầu tư y tế cơ sở
Cùng với toàn ngành Y tế, hệ thống y tế cơ sở của tỉnh ta đã phát huy tốt vai trò trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực y tế cơ sở.
Khi Bình Định mới ghi nhận những ca mắc Covid-19 đầu tiên, ngành Y tế thực hiện truy vết, khoang vùng, tầm soát bóc tách F0... và y tế cơ sở trở nên quan trọng thấy rõ. Nhân viên trạm y tế, với vai trò là những người gần cơ sở nhất đã tích cực tham gia trực tại các chốt kiểm tra y tế, lấy mẫu xét nghiệm. Vì lực lượng mỏng nên đội ngũ này phải thật sự miệt mài, cần mẫn hơn bình thường nhiều lần.
Nỗ lực, nỗ lực nhiều hơn nữa
Bác sĩ Phan Văn Ngà, Trưởng trạm Trạm Y tế xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), cho biết: Thời gian thích ứng an toàn, chúng tôi tham gia chăm sóc, điều trị F0 tại nhà và thực hiện một số công tác y tế phòng, chống dịch khác. Trước đó, khi dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn TX Hoài Nhơn, để chủ động ứng phó, trạm cũng chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch. Khi nhận thông tin có công dân từ vùng dịch trở về, chúng tôi cử lực lượng đón tận nơi bất kể thời gian và thời tiết.
Tại TP Quy Nhơn, địa phương có số F0 điều trị tại nhà cao nhất tỉnh, bên cạnh công tác chăm sóc sức khỏe người dân, ngành Y tế địa phương dồn toàn lực để thực hiện nhiệm vụ này. Bác sĩ Lê Thị Thanh Thúy, nhân viên Trạm y tế phường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn), cho biết: Trước khi thành phố thực hiện điều trị F0 tại nhà, chúng tôi tham gia trực chốt kiểm tra y tế, sau đó tham gia chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, với khả năng sâu sát đa nhiệm, y tế cơ sở của tỉnh ta đã làm tốt nhiệm vụ được giao. Ảnh: Đ. THẢO
Không chỉ vậy, trong công tác tiêm chủng, nhân viên y tế cơ sở cùng tuyến huyện, tuyến tỉnh tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các điểm tiêm. Đặc biệt, trong công tác tiêm lưu động. Bác sĩ CKII Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, cho biết: Tiêm vắc xin lưu động vất vả hơn tiêm tại các điểm tiêm, đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ. Nhân lực mỗi tổ tiêm lưu động tại TX An Nhơn gồm 1 bác sĩ làm nhiệm vụ khám trước tiêm chủng, 2 nhân viên y tế thamgia tiêm chủng. Mỗi xã, phường tùy theo số lượng đối tượng tiêm mà chúng tôi phân từ 1 đến 3 tổ tiêm. Mỗi Tổ tiêm lưu động gồm 3 người: Bác sĩ và 2 điều dưỡng (hoặc y sĩ) đã được tập huấn an toàn tiêm chủng. TTYT cử 1 đến 2 tổ tiêm lưu động cho mỗi xã, phường. Trạm Y tế xã, phường cử 1 tổ tiêm lưu động. Ngoài ra, chúng tôi còn huy động lực y tế thôn hỗ trợ theo dõi sau tiêm. Có thể nói, vốn đánh giá cao vai trò của y tế cơ sở nên tỉnh ta rất quan tâm đầu tư cho hệ thống này. Và đến khi dịch bệnh xảy ra như vừa qua, mới thấy hết sự quan trọng của y tế cơ sở.
Tiếp tục đầu tư cho y tế cơ sở
So với nhiều tỉnh thành khác, việc ứng phó với đại dịch Covid-19 của tỉnh ta ít lúng túng và linh hoạt hơn. Qua đại dịch, mọi người càng nhìn rõ hơn vai trò của y tế cơ sở. Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Qua thời gian phòng, chống dịch bệnhCovid-19, chúng ta nhận thấy được tầm quan trọng của y tế dự phòng và cả hệ thống y tế cơ sở. Bên cạnh y tế dự phòng, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp toàn bộ hệ thống y tế cơ sở, trong đó, ngoài cơ sở vật chất, tỉnh sẽ đầu tư trang thiết bị, ban hành chính sách thu hút nhân lực.
Cùng với đó, ngành Y tế sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở để người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế tiện ích, bảo đảm chất lượng. Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, thời gian đến, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế là nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát bệnh tật; gắn với tiếp tục đổi mới và phát triển y tế cơ sở. Tăng cường công tác quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở. Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, ngành Y tế tiếp tục triển khai và hoàn thiện, đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán BHYT…
Về vấn đề đầu tư y tế cơ sở, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, cho biết: Trong đại dịch, năng lực y tế cơ sở nhiều nơi trên cả nước đáng tiếc là phải nói - rất kém. Rất may mắn theo tôi biết, nhiều năm qua Bình Định đã đầu tư cho y tế cơ sở rất bài bản, từ cơ sở vật chất đến con người. Thăm một số trạm y tế ở Bình Định, tôi thấy cơ sở vật chất khá tốt, dù vậy để hoạt động tốt, thời gian đến cần bổ sung phương tiện, trang thiết bị, y tế thành phần, nguyên lý hoạt động để nâng cao năng lực của y tế cơ sở, cố gắng để trạm y tế xã trở thành phòng khám bệnh của bệnh viện tuyến huyện.
ĐỖ THẢO