DỰ THẢO QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH NUÔI GÀ THẢ ĐỒI:
Góp ý để triển khai thực tế hiệu quả hơn
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo quy định chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026, đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực.
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chăn nuôi gà thịt phổ biến trong tỉnh hiện nay là nuôi nhốt hoàn toàn hoặc nuôi bán chăn thả, quy mô chăn nuôi chủ yếu từ vài trăm đến vài nghìn con, sử dụng thức ăn công nghiệp, xuất chuồng sau thời gian nuôi ngắn, dẫn đến sản phẩm thịt không ngon, giá bán thấp. Hình thức chăn nuôi này mang tính tự phát, tập trung chủ yếu ở địa bàn các huyện đồng bằng, khu đông dân cư với mật độ chăn nuôi cao dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn thực phẩm. “Dự thảo quy định chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 được Sở NN&PTNT chủ trì soạn thảo theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hình thành dựa trên yêu cầu phát triển chăn nuôi quy mô lớn thành vùng nguyên liệu; hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gà thả đồi góp phần phát triển chăn nuôi gà bền vững”, ông Hùng cho biết.
Trang trại nuôi gà thả đồi của ông Mai Văn Rõ (xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân). Ảnh: THU DỊU
Từ việc nêu hiệu quả mô hình chăn nuôi gà thả đồi ở một số tỉnh phía Bắc, ông Phan Trọng Hổ, Chủ tịch Hội Chăn nuôi thú y tỉnh, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT, phân tích: Khu vực miền Trung và miền Nam chưa hình thành các vùng nuôi gà đồi và chưa có thương hiệu nào, chủ yếu là nuôi gà thả vườn. Với địa hình, khí hậu và cũng là trung tâm sản xuất gà con giống thương phẩm của cả nước, Bình Định đủ các điều kiện để phát triển nuôi gà thả đồi. Cần nhanh chóng đưa chính sách đi vào thực tiễn để tạo động lực, xây dựng thương hiệu gà đồi của tỉnh.
“Tôi đề nghị bổ sung chi phí 100% để xây dựng vùng chăn nuôi gà đồi an toàn dịch bệnh trong năm đầu tiên và 50% cho năm thứ 2, 3. Giai đoạn đầu, nên xây dựng mô hình tại huyện Hoài Ân, vì ở đây có vườn cây ăn quả, hộ chăn nuôi có điều kiện... phát triển tập trung và dễ hình thành các tổ hợp tác hoặc HTX. Sau đó xây dựng thương hiệu và mở rộng sang các huyện khác. Mặt khác, cần vận động 2 DN của Bình Định là Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh tham gia cung cấp con giống và tham gia xây dựng chuỗi sản xuất gà đồi, kêu gọi các DN hoặc cá nhân khác tham gia trong chuỗi để tiêu thụ sản phẩm”, ông Hổ đề xuất.
“Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị để phù hợp với thực tế địa phương, có văn bản thông tin phản hồi kết quảtiếp thu ýkiến phản biện cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh theo quy định”.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh HỒ THỊ KIM THU
TS Trần Thanh Sơn, Phó Trưởng khoa Khoa học tự nhiên Trường ĐH Quy Nhơn, cho rằng vùng đồi núi của Bình Định có sương muối vào sáng sớm, sẽ gây bệnh cho gà thả đồi, nên bổ sung thêm điều kiện khuyến khích các đối tượng ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gà thả đồi. Đồng thời, bổ sung thêm trách nhiệm của Sở KH&CN phối hợp với Sở NN&PTNT, cùng các viện nghiên cứu, trường đại học, DN nghiên cứu giống gà thả đồi đặc sản của Bình Định; nghiên cứu quy trình chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học phù hợp với địa phương, xử lý chất thải chăn nuôi và các vấn đề liên quan khác để làm cơ sở cho việc đăng ký sở hữu công nghiệp, chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu sản phẩm gà thả đồi Bình Định.
Trong dự thảo, quy mô chăn nuôi tối thiểu 3.000 con gà thịt cho một lứa nuôi. Ông Ngô Thanh Lý, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, đề xuất: Nên phân cấp quy mô chăn nuôi để được nhận hỗ trợ. Quy mô chăn nuôi tối thiểu đối với hộ nông dân nên là 500 con/lứa; đối với tổ hợp tác là 1.000 con/ lứa; HTX và DN thì mới yêu cầu quy mô tối thiểu 3.000 con/lứa. Quy định về diện tích tối thiểu 1.500 m2 cho 3.000 con gà là nhỏ, cần nghiên cứu lại để điều chỉnh quy định cho phù hợp.
Một số đại biểu cũng đề xuất nên tăng mức hỗ trợ chi phí con giống 1 ngày tuổi lên mức 70% thay cho 50% như quy định tại dự thảo; cần bổ sung chính sách quảng bá thương hiệu, hỗ trợ giải quyết đầu ra đối với sản phẩm…
NGUYỄN MUỘI