ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG:
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được xác định là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng phát triển KT-XH. Phóng viên Báo Bình Định đã trao đổi với ông Lưu Nhất Phong - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh xung quanh vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ các dự án.
* Các dự án xây dựng hạ tầng giao thông của tỉnh được triển khai như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
- Năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, triển khai thực hiện cùng lúc nhiều dự án lớn; lại là năm chịu nhiều tác động do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, việc triển khai các dự án gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành địa phương, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2021, Ban được tỉnh giao làm chủ đầu tư 27 dự án xây dựng công trình giao thông (bao gồm 17 dự án triển khai thi công xây dựng, 10 dự án chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị triển khai xây dựng) và nhận ủy thác quản lý 6 dự án khác.
Cầu Thiện Chánh đang được các đơn vị thi công gác dầm và hoàn thiện mặt cầu để kịp tiến độ khánh thành tuyến đường ven biển ĐT 639 đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh, TX Hoài Nhơn. Ảnh: HẢI YẾN
Nhiều dự án giao thông trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trong năm đã phát huy tác dụng rất lớn, có thể kể đến: Đường ven biển (ĐT 639) đoạn Cát Tiến đến Đề Gi; Mở rộng đường vào sân bay Phù Cát (đoạn từ QL1 đến Cảng hàng không Phù Cát); Đường nối từ đường trục Khu kinh tế đến Khu tâm linh chùa Linh Phong; Đường Điện Biên Phủ nối dài (đoạn từ đường Lâm Văn Tương đến QL 19 mới).
Bên cạnh đó, còn có một số dự án trọng điểm đang triển khai thi công, phấn đấu hoàn thành trong năm 2022 như: Đường ven biển (ĐT 639) đoạn Đề Gi đến Mỹ Thành; Đường ven biển (ĐT 639) đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh; Đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân; Tuyến trục Đông - Tây kết nối với tuyến đường Tây tỉnh (ĐT 638) đoạn Km137 + 580 - Km143 + 787; Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Trần Nhân Tông, TP Quy Nhơn (đoạn từ khu dân cư phía Đông Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đến hết cầu số 2 qua sông Hà Thanh).
* Ngay từ đầu năm 2022, lãnh đạo tỉnh đã rất quan tâm, kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm. Như vậy, nhiệm vụ của Ban sẽ căng thẳng không kém năm 2021…
- Đúng vậy. Nên ngay từ cuối năm 2021, chúng tôi đã tập trung xây dựng kế hoạch triển khai các dự án ngay từ đầu; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành thông xe một số dự án lớn trọng điểm như: Tuyến đường ven biển (ĐT 639), đoạn Đề Gi - Mỹ Thành và đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án trong danh mục đầu tư công trung hạn 2021- 2025 như: Tuyến đường kết nối từ trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại (khởi công từ tháng 12.2021), Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Diêm Vân, Tuyến đường kết nối với đường ven biển (ĐT 639) trên địa bàn TX Hoài Nhơn, Tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT 638) đến đường ven biển (ĐT 639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ; Xây dựng tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong; Xây dựng tuyến đường ven biển (ĐT 639) đoạn từ QL 1D - QL 19 mới và một số dự án khác.
Cùng với đó, Ban đã tích cực triển khai thủ tục để phấn đấu khởi công một số dự án lớn; tập trung phối hợp với các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); đẩy mạnh công tác quyết toán, bàn giao đưa công trình đã hoàn thành vào sử dụng… theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.
* Hiện cơ chế, chính sách chung cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
- Đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được xác định là một trong ba khâu đột phá phát triển kinh tế trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đã và đang tháo gỡ rất nhiều vướng mắc, khó khăn trong cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho đầu tư hạ tầng ngày càng hiệu quả, nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn cơ bản như công tác GPMB còn nhiều vướng mắc cần sự vào cuộc quyết liệt của các chủ thể liên quan, đặc biệt là vai trò quan trọng của chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu trên thị trường thường xuyên biến động và có những loại vật liệu đơn giá chưa phù hợp với thực tế (cát, đất đắp, đá dăm dùng cho bê tông nhựa…) cũng gây nên những ảnh hưởng cho dự án.
Để từng bước khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư, Ban rất mong các sở, ban, ngành tiếp tục quan tâm phối hợp, giúp đỡ tháo gỡ các vướng mắc trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án.
Bên cạnh đó, đề nghị các sở, ngành cần thường xuyên cập nhật, ban hành, hướng dẫn khi giá vật tư, vật liệu biến động đột biến và các vật tư có giá chưa phù hợp với thực tế, giúp cho việc triển khai dự án được thuận lợi.
* Xin cảm ơn ông!
HẢI YẾN (Thực hiện)