Mùa Xuân
Đừng tìm kiếm mùa Xuân ở đâu khác xa xôi.
Tôi đã nhìn thấy rồi. Ở đó, chính ngay trên những luống cày, chính trên những màu mây xám bạc in xuống mặt nước trên cánh đồng. Chính nơi đôi chân con người thoăn thoắt, cắm cúi một mình chờ mong ngày cây lúa lên xanh, hạt lúa nghiêng vạt chín vàng đều tăm tắp. Những tháng năm xa xưa tôi để giấc mơ của mình rong chơi trên cánh đồng, và mộng mị tuổi trẻ tha thiết như việc mong chờ một tình yêu duy nhất của đời người vậy. Ấy thế mà, hôm nào đó lạ lùng tôi nhìn thấy một mùa Xuân khác, mùa Xuân của những con người đã đi qua hơn nửa cuộc đời như mẹ.
Tôi mượn thời điểm giá rét này, sau mấy ngày Tết âm lịch, để nhắc đến mẹ. Người đàn bà chăm chỉ bới đất nhặt cỏ mùa qua tháng lại, năm hết tết đi; từ tóc xanh đổi thành màu bạc muối tiêu. Người đàn bà nén nỗi cô độc tuổi xế chiều để làm trọn lời thề chung thủy, lời hứa với anh lính ngày xưa chưa qua tuổi sáu mươi đã rời bỏ cuộc chơi nơi trần thế, rằng, “ở lại và thương con em nhé”. Mẹ đã thực thi lời hứa đó từng phút giây, từng khoảnh khắc. Hệt như việc mẹ đang sống thay phần đời của người lính năm xưa của mẹ vậy.
Tôi mượn tiết trời lất phất mưa bay ngày tháng này, hoặc kể cả những gì tôi lưu nhớ được để mô tả trọn vẹn về bóng người đàn bà lặng lẽ ấy. Mẹ của anh. Mẹ của tôi. Và mẹ cũng là mùa Xuân duy nhất tràn ngập sắc hương trên những cánh đồng gần, cánh đồng xa, cánh đồng nằm ngay trước ngõ nhà thân thuộc.
Tôi vẫn muốn chơi trò chơi ngôn từ bóng bẩy, bay bổng không phải để thỏa lòng mình. Chỉ đơn giản, nhờ lớp vỏ ngôn từ ấy tôi có thể khắc họa đủ đầy một bức tranh mùa Xuân rất đẹp. Mẹ và cánh đồng. Cánh đồng và người đàn bà hơn sáu mươi tuổi. Tôi lại muốn mượn thêm hình bóng anh, người đàn ông gần bốn mươi tuổi ngắm mẹ từ trên bờ ruộng mà kể lể cho đủ cơn cớ trong đôi mắt anh khi nhìn về phía mẹ.
Mỗi lần trở về làng quê ấy, nơi có mẹ xứ Bắc một nắng hai sương lam lũ trong bộ quần áo sờn vai bết đầy màu đất bụi, tôi biết người đàn ông đó, con trai của mẹ bao nhiêu năm xa xứ vẫn không khỏi đắn đo nặng trĩu trong lòng về câu chuyện làng quê, về một người đàn bà khác ngoài tôi. Mỗi lần rời khỏi cửa, là một lần nỉ non khóc oà tiễn chân con phiêu bạt bốn phương trời. Mỗi lần trở về là một lần mong chờ, để tiếp tục đếm ngày đếm tháng. Tôi, đứa trẻ của miền cao nguyên lạ lẫm, khi về với mẹ, đã thật thà buông hết mọi ưu tư xô bồ của phố thành lại phía sau lưng.
Đôi lần đứng yên nhìn cánh đồng trước nhà, lặng lẽ tự mình bật cuốn băng ký ức quay lại từng khúc đoạn thời gian để được thấy những hình ảnh sống động của mỗi con người thân yêu đã từng tồn tại, từng nói cười rổn rảng trước cánh đồng này khi lúa đã lên non. Không hẳn là tôi mơ mộng việc được hồi tưởng, nhưng, đi qua ngõ, đi ngang cánh đồng lại mường tượng ra năm đó, bố gầy gò men theo đường mương trong buổi chiều đầy gió, nhớ tháng năm đó, bà ngoại phúc hậu hiền từ ôm cô cháu dâu mới về cười như mùa thu tỏa nắng trong cơn mưa phùn đầu Xuân.
Đừng đi tìm mùa Xuân đâu khác xa xôi. Mẹ là mùa Xuân. Mùa Xuân ở trên những cánh đồng.
TRẦN BĂNG KHUÊ