Ngoại trưởng G7 và EU họp khẩn, kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng
Bên lề Hội nghị an ninh hàng năm đang diễn ra tại thành phố Munich, Đức, ngày 19.2, Ngoại trưởng các nước G7 đã họp khẩn về tình hình Ukraine và kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng.
Sau cuộc họp, Ngoại trưởng các nước G7 và Đại diện Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung, trong đó đề cập một số nội dung chính sau:
Bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Nga tăng cường quân đội xung quanh Ukraine, ở bán đảo Crimea và ở Belarus, cho rằng đó là một thách thức đối với an ninh toàn cầu và trật tự quốc tế. Ngoại trưởng G7 và Đại diện EU kêu gọi Nga lựa chọn con đường ngoại giao, giảm leo thang căng thẳng, rút các lực lượng quân sự khỏi khu vực gần biên giới Ukraine và tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế, bao gồm giảm thiểu rủi ro và minh bạch hóa các hoạt động quân sự. Ngoại trưởng G7 và Đại diện EU ghi nhận thông báo mới nhất rằng Nga sẵn sàng can dự về mặt ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh cam kết của mình đối với Nga trong việc theo đuổi đối thoại về các vấn đề cùng quan tâm.
Một binh lính Nga tuần tra khu vực gần biên giới với Nga ở Chernikiv, Ukraine ngày 16.2. Ảnh: Reuters
Về vấn đề Ukraine, Ngoại trưởng G7 và Đại diện EU tái khẳng định tình đoàn kết với người dân nước này, ủng hộ những nỗ lực của Ukraine nhằm tăng cường dân chủ và thể chế, khuyến khích những tiến bộ hơn nữa trong cải cách. Tuyên bố đồng thời nhắc lại cam kết của G7 và EU đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các đường biên giới và lãnh hải được quốc tế công nhận.
Ngoại trưởng G7 và Đại diện EU đánh giá cao và tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Đức và Pháp thông qua Tiến trình Normandy nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các Thỏa thuận Minsk, coi đây là con đường duy nhất tiến tới một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Ngoại trưởng G7 và Đại diện EU đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với Phái bộ Giám sát Đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), nơi các quan sát viên đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực giảm leo thang. G7 và EU lưu ý phái bộ phải được phép thực hiện đầy đủ nhiệm vụ mà không có hạn chế đối với các hoạt động của họ và cho rằng sự tự do di chuyển mang lại lợi ích và an ninh cho người dân ở miền Đông Ukraine.
Theo PV/VOV