Quang Vĩnh Khương, người và thơ
1.
Cũng đã mười mấy năm rồi, ngày Quang Vĩnh Khương bất ngờ ra đi, ngày mồng 5.5 Âm lịch, năm Tân Tỵ 2001. Bất ngờ vì ngày hôm trước, Khương còn từ An Khê xuôi Quy Nhơn đến thăm từng người bạn. Bất ngờ vì sau lắm thăng trầm, anh đã có một gia đình ổn định, có ngôi nhà và đứa con, và nhất là đang viết rất hăng, thơ và báo, cả kịch bản phim, ai cũng nghĩ bắt đầu cuộc neo đậu ổn định cho Khương.
Trên mộ chí của Khương, gia đình cho khắc bài thơ nhiều người thích và được tuyển vào “Thơ lục bát Việt Nam”, bài “Trương Chi”:
“Đêm xưa có một gã khờ
Uống trăng rồi khóc trang thơ đời mình
Uống thơ rồi khóc cuộc tình
Uống tình rồi khóc một mình dưới trăng”.
Thực ra, Trương Chi hiện hữu trong này rất ít mà chính chàng thi sĩ Quang Vĩnh Khương đã nhập vai phần nhiều. Chàng đã “uống trăng”, “uống thơ”, “uống tình” rồi khóc, khóc cho đời mình, khóc cuộc tình. Khóc một mình. Tất cả vận đúng đời Khương, một đời đẫm nước mắt.
Với người yêu đã nằm dưới mộ: “Đưa người ta xót xa đưa/ Ngàn chiều biệt biệt, ngàn mưa nhòa nhòa”. Với đứa con mới tượng hình đã bị rứt bỏ: “Vợ tôi theo phượng hoàng ăn khế ngọt/ Túi mười gang cháo chát đỉnh phù hoa/ Hạt máu rớt như là con dao cứa/ Như là tôi chẳng thể làm cha”. Trong di cảo thơ Khương có bài “Nhạt” vẫn theo kênh này: “Nhạt là nắng nhạt là sương/ Nhạt là cái cõi vô thường xa xăm/ Nhạt là chồng vợ ăn nằm/ Người xưa bỗng hiện mắt đầm đầm mưa”… Chàng thi sĩ này cô độc lắm sau những ồn ào nhập thế.
2.
Sinh thời, Quang Vĩnh Khương mới in 3 tập thơ: “Tạ ơn nỗi buồn”, “Hai mảnh yêu thương” (in chung với Mai Thìn) và “Tự bạch của đàn ông”. Truyện ngắn “Hòn sỏi bản mệnh” in trên Văn nghệ Quân đội, một số kịch bản phim tư liệu, nhiều bài báo… Ra đi ở tuổi mụ 38, không hẳn Khương viết đã nhiều, nhưng để lại những dấu ấn khá sâu đậm.
Trong bài thơ dài “Đối khúc mùa thu” đặc sắc, mới ngoài 25 tuổi, Khương đã viết “Tôi là chiếc xe ngựa cà tàng cực nhọc lao trong đêm, chở gió và cỏ và cỗ quan tài chưa bỏ xác”. Có gì đó thật quyết liệt và bất an. Gió và cỏ xem như hiển nhiên trên chiếc xe ngựa. Chỉ mấy chi tiết đáng lưu ý: chiếc xe ngựa cà tàng cực nhọc lao trong đêm. Và chiếc quan tài chưa bỏ xác.
3.
Vì nhiều lý do, ý tưởng gom những trang viết còn lại của Khương in thành tập của những người bạn anh tới nay mới được thực hiện. Người góp tiền, người giúp gom nhặt, biên tập bản thảo, người làm vi tính, trình bày… giờ thì tập di cảo thơ của Khương đã xong. Tên tập sách lấy nguyên câu thơ của Khương: “Trăm năm một giấc mơ buồn”.
Nhưng Quang Vĩnh Khương không phải là người cam chịu. Nếu tâm hồn anh mỏng mảnh và đa mang thì với đời sống, Khương là người nhập thế. Vì điều kiện gia đình, Khương tự trưởng thành là chính. Có mùa hè, mới 11 tuổi, Khương đã dắt đứa em trai lên cao nguyên kiếm sống. Sau này nhiều sức vóc, Khương làm nghề khuân vác ở bến xe, bến cảng, và làm các việc chữ nghĩa. Cũng sang lắm bộ vét trắng tư thế nhà thơ, nhà báo, giao du từ Sài Gòn đến Hà Nội, từ những nhân vật tên tuổi đến các em sinh viên. Cũng gần gũi lắm thuở sa cơ, về quê nhà Phước Lộc- Tuy Phước dựng cái “thảo lư” giữa đồng mà khóc cười nhân thế bằng thơ.
Quang Vĩnh Khương đã đi ngang qua cuộc đời với những thản nhiên sầy xướt và hào hiệp, quẫy cựa và tài hoa.
Nhà văn LÊ HOÀI LƯƠNG