Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thân thiện
Ðó là đích đến quan trọng đặt ra từ Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10.1.2022 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 của tỉnh Bình Ðịnh vừa được UBND tỉnh ban hành.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, Kế hoạch đặt ra mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thân thiện, công khai, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo. Đồng thời, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và DN, tạo động lực tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 của tỉnh, góp phần nâng cao thứ hạng quốc gia trên các bảng xếp hạng quốc tế...
● Để thực hiện thành công mục tiêu đó, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào sẽ được tập trung thực hiện trong thời gian đến, thưa đồng chí?
- Trước hết, cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người dân, DN. Nhận thức đúng đắn sẽ đưa đến nỗ lực cao nhất để thực hiện hiệu quả công việc riêng của từng người, tạo thành thành quả chung.
Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) phải thực hiện thực chất; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các TTHC để tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho người dân và DN trong khởi sự kinh doanh và thực hiện các quy định của nhà nước. Tổ chức thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC.
Đồng thời, đảm bảo thực thi đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu cán bộ, công chức của đơn vị mình không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh.
Mặt khác, sẽ đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với việc đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính, phù hợp với tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước. Đầu tư xây dựng hệ thống Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Bình Định sau khi vận hành thử nghiệm để đáp ứng yêu cầu đổi mới, thực thi công bằng xã hội, tăng cường sự minh bạch, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động KT-XH.
Triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến đầu tư “tại chỗ” với những giải pháp thiết thực thông qua việc đẩy mạnh hỗ trợ các dự án đầu tư đang được triển khai tại tỉnh. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình triển khai các dự án đầu tư, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN hiệu quả gắn với nhu cầu thực tiễn; giải quyết khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với những lĩnh vực ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Đáng chú ý là phải chú trọng hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
● Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung là vấn đề mang tính dài hạn; đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, hiệu quả, đồng bộ của nhiều ngành, đơn vị, địa phương...
- Đúng vậy. Nghị quyết số 02/NQ-CP đặt ra rất nhiều nhiệm vụ cụ thể để cải thiện những chỉ số bao quát khắp các lĩnh vực, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc quyết liệt của từng sở, ngành, địa phương.
Chẳng hạn, chỉ số “Khởi sự kinh doanh”, “Bảo vệ nhà đầu tư”, “Tăng trưởng về DN đổi mới sáng tạo”, “DN có ý tưởng sáng tạo mới đột phá” (do Sở KH&ĐT chủ trì thực hiện); “Vốn hóa thị trường chứng khoán” (Sở Tài chính); “Ứng dụng công nghệ thông tin”, “Hạ tầng công nghệ thông tin”, “Công nghệ thông tin và sáng tạo trong mô hình của tổ chức”, “Sáng tạo trực tuyến” (Sở TT&TT)...
Chất lượng giải quyết TTHC trên tất cả các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước cần được nâng cao, nhất là TTHC có liên quan đến người dân và DN.
- Trong ảnh: Người dân tra cứu kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: N.V.T
Cùng với đó là nhiều chỉ số để cải thiện thực chất cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều sở, đơn vị, như các chỉ số “Chi phí tuân thủ pháp luật”, “Giải quyết tranh chấp hợp đồng”, “Phá sản DN” (TAND tỉnh và Sở Tư pháp), “Nộp thuế và BHXH” (Cục Thuế tỉnh và BHXH tỉnh)...
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, từng sở, ngành, đơn vị cần triển khai các giải pháp khả thi, phù hợp với thực tiễn để thực hiện tốt từng nhiệm vụ trọng tâm, đặc thù.
Trong đó, đáng chú ý, Văn phòng UBND tỉnh cần đẩy mạnh công tác kiểm soát TTHC; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trên tất cả các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, nhất là TTHC có liên quan đến người dân và DN.
Sở KH&ĐT tăng cường hiệu quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, khó khăn của DN, đồng hành cùng DN từ những vấn đề nhỏ nhất.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu đổi mới mạnh mẽ việc đo lường Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo đánh giá thực chất, khách quan, công bằng, toàn diện công tác cải cách hành chính theo hướng đánh giá xuyên suốt quá trình từ những nỗ lực nghiên cứu, hình thành giải pháp, sáng kiến ban đầu cho đến nỗ lực thực thi và hình thành kết quả sản phẩm công việc cụ thể. Sản phẩm ấy phải có đóng góp giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính của tỉnh gắn với đánh giá thực chất trách nhiệm, thúc đẩy hành động cụ thể của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương...
● Xin cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)