Cải thiện sức khỏe tâm thần trong bối cảnh dịch bệnh
Việc tăng cường rèn luyện sức khỏe, ăn uống lành mạnh, chọn lựa thông tin, tăng hoạt động có ích… để có tâm lý tốt là cách để tăng sức đề kháng với bệnh tật.
Cập nhật tình hình: Lắng nghe những lời khuyên và khuyến cáo từ những tổ chức có thẩm quyền. Theo dõi những kênh tin tức đáng tin cậy. Cố gắng duy trì những hoạt động thường ngày, tập thêm những thói quen tốt. Thức dậy và đi ngủ vào thời điểm tương tự mỗi ngày. Giữ vệ sinh cá nhân. Ăn uống lành mạnh và đúng bữa, hạn chế uống rượu. Phân bố hợp lý thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Sắp xếp thời gian làm những việc mà bản thân thích. Xây dựng và cải thiện mối quan hệ thân thiện với xung quanh.
Luyện tập thể thao: Cơ thể sẽ giải phóng hormone endorphin, giảm căng thẳng và “đánh thức” tâm trí sau các bài thể dục. Đây là lý do luyện tập giúp đẩy lùi căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Có thể thực hành các bài tập nhỏ ngay trong sinh hoạt thường ngày: Đi thang bộ thay vì thang máy hoặc đi dạo ở công viên mỗi tối, dọn dẹp nhà cửa... Luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và cố gắng thực hiện ngoài trời nếu có thể. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cơ thể sẽ sản xuất vitamin D, đồng thời tăng hormone serotonin trong não bộ giúp tăng cảm giác hạnh phúc. Thêm vào đó, việc dành thời gian gần gũi với thiên nhiên khi hoạt động ngoài trời cũng được chứng minh giúp giảm căng thẳng hữu hiệu.
Cho phép bản thân nghỉ ngơi: Đôi khi điều tốt nhất chỉ là ứng dụng một bài tập thở đơn giản: Nhắm mắt và hít thở sâu 10 lần. Với mỗi lượt thực hiện, đếm đến 4 khi hít vào, giữ nó trong 4 giây và sau đó thở ra 4 nhịp đếm.
Đối với trẻ nhỏ trong thời điểm dịch bệnh này, trẻ em cần nhiều sự quan tâm hơn từ cha mẹ. Đảm bảo trẻ không ngồi trước màn hình quá nhiều, dạy cho trẻ thêm những kỹ năng mới như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, tập thể dục; chơi cá ngựa, cờ vua…. để tăng sự kết nối giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ cũng nên trò chuyện, lắng nghe cảm xúc, suy nghĩ của trẻ, chấp nhận những cảm xúc của trẻ và có những lời nói nhẹ nhàng, động viên trẻ, tạo cơ hội để trẻ tự tin với bản thân và có thể giúp ích cho người khác. Cho trẻ chăm sóc cây cối, chăm vật nuôi… cũng là những cách để giảm bớt căng thẳng. Đối với những trường hợp trẻ bị rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, suy nghĩ tiêu cực… cha mẹ cần liên hệ với các bác sĩ tâm lý, bác sĩ chuyên khoa tâm thần… để được hỗ trợ.
Đối với người cao tuổi, trong gia đình, người thân cần quan tâm trò chuyện để họ không cảm thấy cô đơn. Trong khẩu phần ăn hằng ngày, người cao tuổi cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, canxi… để tăng cường thể lực. Giữ liên lạc thường xuyên với bạn bè, người thân. Giữ nhịp sống hằng ngày điều độ như ăn uống, nghỉ ngơi và hoạt động yêu thích. Tập những bài thể dục đơn giản giúp duy trì sức khỏe. Tìm sự trợ giúp từ người thân, bạn bè hoặc làng xóm nếu cần.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)