Ðảm bảo an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe nhân dân
UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022. Theo đó, các ngành chức năng đã lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn sức khỏe cho nhân dân.
Đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng dịch
Tết Nguyên đán Nhâm Dần là đợt kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đầu tiên của năm 2022. Để các cơ sở kinh doanh nắm bắt kịp thời thông tin, ngành Y tế và các địa phương thường xuyên truyền thông về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Kiểm tra ATTP dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần. Ảnh: HỒ HUYỀN NHƯ
Bên cạnh đó, các cấp, ngành liên quan tổ chức các đợt kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, có 1.553 cơ sở trong tổng số 1.560 cơ sở (99,5%) được kiểm tra đạt điều kiện ATTP theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Ngoài kiểm tra các nội dung về ATTP theo quy định, các đoàn kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra nhanh một số chỉ tiêu hóa lý (hàn the, phẩm màu, foocmon…) đối với một số sản phẩm tại cơ sở. Kết quả thực hiện 47/47 test nhanh đều cho kết quả âm tính. Bên cạnh công tác bảo đảm ATTP, các cơ sở đã tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế như: Thực hiện 5K, quét mã QR để khai báo y tế đối với khách đến cơ sở.
Ông Lê Văn An, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, chia sẻ: Bên cạnh công tác thanh, kiểm tra, chúng tôi còn hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và UBND tỉnh.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác hậu kiểm
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, công tác hậu kiểm ATTP năm 2022 phải triển khai có trọng tâm, trong điểm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền…
Theo đó, để tiếp tục đảm bảo ATTP, ngành Y tế, các ngành có liên quan và các địa phương tăng cường công tác đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, khu du lịch, lễ hội. Phòng ngừa ngộ độc do hải sản, nấm, thực vật có độc tự nhiên. Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP, các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn chú trọng đến hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Công tác truyền thông giáo dục về ATTP được triển khai thường xuyên, liên tục. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm…
Ông Nguyễn Văn Trung cho biết thêm: Mục tiêu của việc đảm bảo ATTP năm 2022 là không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể từ 30 người mắc/vụ trong năm; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong vụ ngộ độc được ghi nhận dưới 6 người/100 nghìn dân. Đặc biệt, tăng cường năng lực kiểm nghiệm về ATTP tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Đến hết năm 2022, cố gắng cả tỉnh có trên 92% cơ sở tuyến tỉnh, 75% cơ sở tuyến huyện thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 100% cơ sở thuộc diện không cấp giấy chứng nhận được thống kê danh sách, phân cấp quản lý. Trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh được thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đạt yêu cầu về ATTP.
THẢO YÊN