Nói bao nhiêu về sự hy sinh của những “chiến sĩ áo trắng” cũng không đủ!
Hướng tới Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, những y bác sĩ đã khoác lên mình tấm áo blouse trắng sẽ luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở mọi miền Tổ quốc và sẵn lên đường khi người dân cần.
“Hơn hai năm bám trụ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, các y bác sĩ - những “chiến sĩ áo trắng” đã không quản ngại những hy sinh mà có nói bao nhiêu cũng không đủ”. Đây là lời chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại cuộc tọa đàm “Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 21.2, hướng tới kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2).
“Trước áp lực rất lớn của đại dịch toàn cầu với hệ thống y tế, với nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực, nhưng những “chiến sĩ áo trắng” vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người của người thầy thuốc”, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại Hưng Yên. Ảnh: Bộ Y tế.
Trực tiếp chỉ tạo phòng, chống dịch, ông Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, các nhân viên y tế luôn nhận thức được nhiệm vụ của người thầy thuốc trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, với trách nhiệm tự hào vì đã đóng góp cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Cuộc sống cá nhân của nhân viên y tế hoàn toàn bị ảnh hưởng, họ rời xa gia đình lên đường phòng, chống dịch, luôn phiên 1 tháng, 2 tháng, thậm chí có người đã 2 cái Tết không về nhà…
“Vượt qua mọi áp lực, mọi khó khăn, điều đồng hành cùng các y bác sĩ là sự ấm áp và lòng trắc ẩn khi chăm sóc điều trị người bệnh. Họ là người duy nhất tiếp xúc, tương tác với người bệnh, để cố giành lại sự sống với hy vọng dù là nhỏ nhất. Họ vui khi người bệnh khỏi bệnh, nhưng cũng đau buồn bất lực khi chứng kiến cảnh người bệnh không qua khỏi”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Có những thời điểm cuộc chiến chống dịch này dường không có hồi kết. Nhiều y bác sĩ, tình nguyện viên gần như không nghỉ.
“Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngành y tế đã huy động tất cả cán bộ ở mọi miền Tổ quốc tham gia chống dịch, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trọng điểm với mục tiêu khống chế và dập dịch được nhanh, giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh. Tuy nhiên, theo báo cáo của 41 Sở Y tế các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đến nay đã huy động trên 7.200 nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch. Đã có điều dưỡng bác sĩ nhiễm Covid-19 và không qua khỏi”, ông Tuyên chia sẻ.
Tham gia tọa đàm qua video trực tuyến, TS. Bùi Sĩ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhấn mạnh, không thể đong đếm hết những khó khăn, những hy sinh vất vả của đội ngũ y tế phải gồng mình vượt qua trong thời gian vừa qua: “Lực lượng y tế đã có một cuộc đua vô cùng lớn lao là cuộc đua giành lấy sự sống cho người dân, điều này chúng ta thấy rất rõ và cảm động. Họ đã tích cực, kiên quyết và trong tâm thế không để ai bị bỏ lại phía sau”.
TS. Bùi Sĩ Lợi gửi lời cảm ơn và sự tự hào với đội ngũ y, bác sĩ và mong rằng, Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn tôn vinh, coi trọng và tạo điều kiện tốt nhất để cho các bác sĩ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Tọa đàm "Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế".
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y cũng cho rằng, chiến lược đã chuyển từ “Zezo Covid-19” sang sống chung với dịch bệnh và giai đoạn này thì sự hy sinh của các nhân viên y tế lại khác.
“Giai đoạn này, khó khăn nhất đối với chúng tôi là không phải không biết cách chữa, hoảng sợ vì số lượng Covid-19 diễn biến phức tạp bởi chúng ta đã hiểu rất rõ về Covid-19. Khó khăn lớn nhất là chúng ta phải chống dịch lâu dài, các y bác sĩ nhân viên y tế không biết lúc nào sẽ dừng lại việc điều trị Covid-19, việc điều trị vẫn liên tục. Tuy nhiên, thực sự tinh thần của các cán bộ, nhân viên y tế đã được đào tạo, rèn luyện nhiều năm nên không ai bỏ cuộc”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Theo PV/VOV.VN