Gỡ bỏ trên 18.300 sản phẩm, gian hàng vi phạm trên sàn thương mại điện tử
Ban Chỉ đạo 389 các bộ ngành, tỉnh thành phố đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình kiểm tra, qua đó hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử (Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10.10.2021) với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với diễn biến phức tạp của các hành vi vi phạm sử dụng các phương tiện công nghệ trên không gian mạng.
Nhằm tạo sự đồng thuận cho các lực lượng chức năng tại các bộ, ngành và địa phương trong nhận diện phương thức thủ đoạn và xử lý các hành vi vi phạm, lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo Văn phòng Thường trực tổ chức thành công Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc ngày 12.11.2021.
Gỡ bỏ trên 18.300 sản phẩm, gian hàng vi phạm trên sàn thương mại điện tử. Ảnh minh họa: KT.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch 399, mặc dù hoạt động kinh doanh online rất phức tạp, khó xác định đối tượng vi phạm do các đối tượng này thường dùng công nghệ để xóa dấu vết, “ẩn danh”, nhưng hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử ban đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Điển hình, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp cung cấp thông tin cho Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và Công an các địa phương (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Nông, Hải Phòng, Phú Thọ, Lạng Sơn) trên 300 trường hợp có dấu hiệu vi phạm liên quan tới hoạt động các website, ứng dụng thương mại điện tử.
Đồng thời, kiến nghị các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ trên 14.000 sản phẩm và trên 4.300 gian hàng vi phạm.
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tích cực như tuyên truyền hỗ trợ, hướng dẫn, vận động người nộp thuế khai và tự nộp thuế; đẩy mạnh công tác truy thu, xử phạt qua thanh tra kiểm tra đối với các hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội nước ngoài (như Google, Facebook, Youtube…); tăng cường quản lý thuế đối với các tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và các trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam.
10 tháng đầu năm 2021, ngành Thuế thu nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 1.181,51 tỷ đồng.
Theo Quang Hùng (Báo Hải quan/VOV)