Giám sát tốt Covid-19, không lơ là các bệnh dịch khác
Mặc dù có nhiều dấu hiệu khả quan, nhưng đến nay đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, do vậy nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên của y tế dự phòng vẫn là tham mưu các cấp chính quyền kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Để kiểm soát dịch thật tốt và đạt kết quả bền vững, quan trọng là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường kiểm soát dịch ngay tại cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ; phát huy vai trò điều hành, quản lý của chính quyền cấp xã, phường và vai trò giám sát của quần chúng nhân dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài ra, công tác truyền thông cũng rất quan trọng. Qua đó, để người dân hiểu và thực hiện tốt việc tiêm chủng vắc xin, nâng cao ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch, tự giác thực hiện nghiêm 5K.
Thời gian vừa qua, đội ngũ y tế trong đó có y tế dự phòng đã quên mình tham gia vào công tác phòng, chống dịch với quá nhiều khó khăn, vất vả. Ảnh: Đ. THẢO
Theo các chuyên gia y tế, bên cạnh Covid-19 vẫn còn rất nhiều loại dịch, bệnh nguy hiểm không được lơ là. Do vậy, đội ngũ y tế dự phòng tỉnh vẫn tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tốt công tác dự phòng loại dịch bệnh khác. Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, thời gian đến ngành Y tế tiếp tục chú trọng nhiệm vụ y tế dự phòng và kiểm soát bệnh tật; nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Chủ động và tích cực triển khai các giải pháp để phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và các loại dịch bệnh khác; không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, hạn chế tối đa số người tử vong do dịch bệnh.
Sẽ xem xét sớm đầu tư nhiều hơn cho y tế dự phòng
Năm 2022 vẫn sẽ là một năm đầy thách thức, khó khăn cho công tác y tế dự phòng. Tuy nhiên, với thành quả đạt được trong phòng, chống đại dịch Covid-19, chúng ta có nhiều cơ hội để tổ chức thực hiện tốt các mặt công tác, góp phần tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nhìn lại thời gian vừa qua, đội ngũ y tế trong đó có đội ngũ y tế dự phòng đã quên mình tham gia vào công tác phòng, chống dịch với quá nhiều khó khăn, vất vả. Công tác y tế dự phòng rất quan trọng, qua dịch bệnh này thì càng thấy rõ vai trò hơn. Tỉnh sẽ xem xét sớm đầu tư nhiều hơn cho y tế dự phòng, nhằm hướng tới nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ông NGUYỄN PHI LONG, Chủ tịch UBND tỉnh
Theo đó, công tác y tế dự phòng tiếp tục duy trì giám sát và phòng, chống các bệnh truyền nhiễm lưu hành, không để bùng phát dịch; cảnh giác, phát hiện và xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi. Triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống sốt rét, tiến tới loại trừ sốt rét trên quy mô tỉnh vào năm 2024. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo đạt tỷ lệ trên 98% đối tượngtrong tiêm chủng mở rộng được tiêm tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin; nâng cao chất lượng và bảo đảm an toàn tiêm chủng; khống chế không để xuất hiện các bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS hướng đến mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Bên cạnh đó, ông Bùi Ngọc Lân cho biết: Thời gian đến, y tế dự phòng còn tập trung thực hiện Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2021 - 2025; tập trung kiểm soát các yếu tố nguy cơ, hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng do bệnh không lây nhiễm. Nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính. Mở rộng số lượng các trạm y tế xã quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, một số bệnh ung thư.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh, y tế dự phòng còn đẩy mạnh truyền thông. Ông Bùi Ngọc Lân cho biết: Một trong những nhiệm vụ của công tác y tế dự phòng là truyền thông. Do đó, chúng tôi tiếp tục xây dựng chiến lược truyền thông giáo dục sức khỏe, cung cấp kiến thức về sức khỏe nhằm thay đổi hành vi của người dân và chủ động tham gia vào việc duy trì và tăng cường sức khỏe của cá nhân. Trong đó, đẩy mạnh truyền thông nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh/trẻ em. Triển khai các can thiệp nhằm duy trì, củng cố thành quả về giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em và cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền và các nhóm đối tượng; nâng cao khả năng tiếp cận của người dân tới các dịch vụ có chất lượng về dự phòng, sàng lọc ở tuyến cơ sở và các dịch vụ khám chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa.
ĐỖ THẢO