Ông Với trồng chanh giấy
Trồng thành công chanh giấy từ năm 2011, ông Đinh Với (SN 1973), ở thôn Thạnh Quang, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh đã có thu nhập ổn định. Ông Với kể: “Sau khi tái định cư từ lòng hồ Định Bình xuống làng Thạnh Quang sinh sống, tôi bắt tay cải tạo 7 sào đất và chọn đầu tư cây chanh giấy để phát triển kinh tế. Khởi đầu, tôi trồng hơn 100 gốc chanh, trong thời gian chờ chanh có trái, tôi trồng xen sả vào vườn chanh để có thu nhập thường xuyên.
Ông Đinh Với (thứ hai từ trái sang) có thu nhập ổn định từ vườn chanh giấy hơn 100 gốc của mình. Ảnh: Đ. PHƯƠNG
Để vườn chanh phát triển tốt, ông Với thường xuyên vệ sinh vườn, làm cỏ dại, tỉa cành, bón phân. Ngoài phân bón chủ yếu cho cây chanh giấy là lân và kali, ông còn tận dụng phân chuồng (gà, bò) để bón. Nhờ chịu khó chăm bón, chỉ sau gần 2 năm trồng, vườn chanh của ông phát triển tốt, đến năm thứ 3 thì cho trái rộ. Ước tính mỗi năm ông Với thu hoạch từ vườn chanh của mình hơn 7 tấn trái.
Chanh giấy phù hợp với chân đất, khí hậu địa phương nên lớn nhanh, có thể cho trái quanh năm, rộ nhất là vào tháng 4 âm lịch, năng suất cao, trái nhiều nước và thơm. Cứ vài ngày ông Với lại thu hoạch chanh, cung cấp cho các tiểu thương ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Quy Nhơn và TX An Khê (tỉnh Gia Lai).
Có kinh nghiệm, kỹ thuật trồng chanh gần 11 năm, nhưng ông Với không ngừng tìm tòi học hỏi thêm kỹ thuật, giống mới để nâng cao chất lượng chanh. Không chỉ vậy ông còn sẵn lòng cung cấp cây giống, chia sẻ kinh nghiệm trồng chanh cho mọi người.
Ông Đinh Chân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp, nhận xét: Trên địa bàn xã có nhiều hộ trồng chanh số lượng ít để dùng hằng ngày, chỉ có ông Đinh Với trồng với quy mô cả trăm cây. Mô hình vườn chanh giấy của ông Với đang được chúng tôi phổ biến cho mọi người để nhân rộng, cải tạo vườn tạp kém hiệu quả.
ĐÌNH PHƯƠNG