Tuy Phước phát triển các HTXNN chuyên ngành: Tạo liên kết, thúc đẩy kinh tế địa phương
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tuy Phước chú trọng vào đầu tư thành lập các HTXNN chuyên ngành gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các HTXNN chuyên ngành phát triển dựa trên thế mạnh của địa phương, tạo vai trò kết nối, liên kết nhằm phát huy sức mạnh của kinh tế HTX.
Theo đánh giá chung của huyện Tuy Phước, các HTX từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo Luật HTX năm 2012, thực hiện các khâu dịch vụ cung ứng đầu vào và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế; có nhiều đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của địa phương.
HTXNN Phước Hưng đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất, phát triển dòng gạo thương phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh mang tên “Gạo quê Phước Hưng”. Ảnh: HTXNN Phước Hưng
Hiện Tuy Phước có 18 HTXNN, trong đó có 4 HTX thành lập mới trong năm 2021 với hướng đi chuyên sâu vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gồm: HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ tổng hợp Diêu Trì, HTXNN hữu cơ Lộc Tín, HTX Dịch vụ và Chăn nuôi bò Phước An, HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hưng Lộc. Cùng với việc khuyến khích thành lập mới các HTXNN chuyên ngành, huyện cũng hỗ trợ các HTXNN liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Toàn huyện có 9 HTXNN tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống với tổng diện tích 1.000 ha/năm; cung ứng ra thị trường 5.000 - 6.000 tấn lúa giống, thu nhập tăng thêm từ 9 - 10 tỷ đồng/năm; điển hình như HTXNN Phước Hưng, Phước Sơn 1 và Phước Sơn 2, Phước Quang…
Với 7 thành viên và còn rất non trẻ nhưng HTXNN hữu cơ Lộc Tín (ở xã Phước Lộc) đã kịp tạo được nhiều sự chú ý nhờ 2 sản phẩm chủ lực là rau an toàn theo hướng VietGAP và rượu đông trùng hạ thảo. Trong năm 2022, HTX tập trung đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm nông nghiệp an toàn và xây dựng nhà trưng bày tại quê nhà.
Ông Phạm Trung Chiến, Giám đốc HTXNN hữu cơ Lộc Tín, cho hay: Hướng đi lâu dài là tập trung chuyên sâu vào chế biến nông sản sau thu hoạch, mở lối đi mới cho nông sản và gia tăng liên kết với nông dân trên địa bàn huyện. Trước mắt HTX đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP cho sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo; đầu tư dây chuyền thiết bị máy móc vào chế biến sâu các sản phẩm của mình như bột rau má, bột rau diếp cá…
Tương tự, ngay khi được UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển làng hoa Bình Lâm gắn với du lịch giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tuy Phước xúc tiến cho kế hoạch thành lập HTX Hoa kiểng Bình Lâm - giữ vai trò chủ chốt xâu chuỗi hoạt động và cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch tại làng hoa. Để chuẩn bị cho việc thành lập HTX, huyện hỗ trợ làng hoa thành lập các nhóm cùng sở thích, thí điểm 4 mô hình trồng hoa mới…
Thành lập các HTXNN chuyên ngành là hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế HTX. Trên thực tế, đến nay, dù bước đầu xây dựng được các chuỗi liên kết, liên doanh giữa HTX và các DN, song các hình thức liên kết sản xuất chưa bền vững, phạm vi liên kết còn nhỏ, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường; huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt còn hạn chế. Ở huyện Tuy Phước, còn rất ít DN tham gia liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đến nay mới chỉ có ở lĩnh vực sản xuất lúa giống và cũng chỉ thực hiện ở vụ Đông Xuân.
Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, nhìn nhận mối liên kết giữa nông dân - HTXNN - DN chưa thật sự chặt chẽ, làm tăng khả năng xảy ra rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm. Để hỗ trợ các HTX, Phòng NN&PTNT huyện tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ các HTXNN, đặc biệt khuyến khích thành lập các HTXNN chuyên ngành dựa trên thế mạnh của địa phương, hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững, từng bước phát huy thế mạnh của kinh tế HTX. Thực hiện hỗ trợ các HTX trong việc đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất với mức hỗ trợ 50% cho 1 dự án của HTX; hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ giúp các HTX đi sâu vào phát triển nông sản đặc trưng, thế mạnh, xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
THU DỊU