SGK môn Toán chương trình mới sẽ không còn "đánh đố” học sinh
GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho biết, từng bài học trong Toán 3, lớp 7 và lớp 10 của chương trình mới đã cụ thể hóa những nhu cầu cần đạt một cách rõ ràng, rành mạch và trong sáng về mặt sư phạm, khắc phục tâm lý ngại học môn Toán của nhiều học sinh.
Từ năm học 2022-2023, Chương trình GDPT mới chính thức được đưa vào giảng dạy với các khối lớp 3, 7, 10. Bộ GD&ĐT phê duyệt SGK mới lớp 3, lớp 7, lớp 10 của nhiều nhà xuất bản để áp dụng cho năm học 2022-2023. Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Giới thiệu sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10” do báo Lao động tổ chức, GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình GDPT 2018 môn Toán, Tổng chủ biên SGK Toán, Bộ sách Cánh Diều, cho biết, một trong những điểm mới của SGK Toán là đã bám sát vào những yêu cầu cần đạt của chương trình môn Toán 2018 với mỗi lớp.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình GDPT 2018 môn Toán.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái lấy ví dụ trong mạch kiến thức thống kê ở THCS, đối với lớp 6,7,8,9 không có vẽ biểu đồ như biểu đồ cột đơn, biểu đồ cột kép, biểu đồ đường thẳng, biểu đồ quạt tròn. Những nội dung này ở lớp 9, vậy nếu bám sát, hiểu được, cụ thể hóa được những yêu cầu đó của môn Toán thì sẽ không bắt học sinh vẽ biểu đồ từ lớp 6. Như vậy, từng bài học trong Toán 3, lớp 7 và lớp 10 của chương trình mới đã cụ thể hóa những nhu cầu cần đạt một cách rõ ràng, rành mạch và trong sáng về mặt sư phạm.
Theo GS.TSKH Đỗ Đức Thái, có 2 cách viết SGK, một cách là viết cho giáo viên cầm sách dạy, áp đặt lên đầu học sinh. Học sinh không có cơ hội để tự trải nghiệm, khám phá kiến thức, chưa nhắc đến chuyện phát triển năng lực, điều này rất dễ khi viết sách. Lối viết thứ 2 là cho học sinh, vì học sinh, bắt đầu từ học sinh, hiểu học sinh để viết cho học sinh để học sinh có cơ hội tự học, tự tạo kiến thức thì mới phát triển năng lực được. Đây là cách viết sách rất gian khổ.
Trong Bộ SGK Toán mới được viết theo cách thứ 2 với quan điểm viết cho học sinh, vì học sinh, bắt đầu mọi thứ từ học sinh.
“Tôi hay nói với các tác giả khác là nếu không làm được thì đừng làm nữa, bỏ đi làm việc khác”, GS Thái chia sẻ.
"Bên cạnh đó, giáo án thiết kế cho giáo viên sao cho họ cầm SGK có thể dạy được. Nó không thể nào là quyển sách mà giáo viên và tổ chuyên môn ngồi giải mã như mật mã Da Vinci. Xây dựng giáo án dạy những quyển SGK như thế thì không dùng được. Nó cũng phải giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học. Chúng ta cứ nói về đổi mới phương pháp dạy học nhưng SGK là văn bản vô cùng quan trọng. Nó phải rành rọt thì mới có thể giúp các thầy cô đổi mới phương pháp dạy học”, GS.TSKH Đỗ Đức Thái nói.
Bên cạnh SGK, theo thầy Thái, với môn Toán sẽ có bộ học liệu điện tử đi kèm để giảm nhẹ gánh nặng lên giáo viên mỗi giờ lên lớp, tăng cường tương tác, hiệu quả dạy học hơn nữa.
Với sách Khoa học tự nhiên, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên Chương trình GDPT môn Khoa học tự nhiên 2018, Tổng Chủ biên SGK Khoa học tự nhiên lớp 7, SGK Sinh học lớp 10 - bộ sách Cánh Diều cho biết, trước đây các thầy cô dạy Vật Lý, Sinh học, Hóa học riêng rẽ thì trong chương trình GDPT mới sẽ được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên.
PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên Chương trình GDPT môn Khoa học tự nhiên 2018.
“Có rất nhiều kiến thức chúng tôi muốn đưa vào, thể hiện kiến thức này là mới và cập nhật. Thế nhưng xảy ra hiện tượng kiến thức đó so với chương trình hiện hành hoặc SGK cũ lại là mới quá và nhiều khi giáo viên có nhiều ý kiến tranh luận, có thể có nhiều ý kiến trái chiều. Hoặc cũng có kiến cho rằng kiến thức đó chưa chính xác và khó dạy… Chúng tôi rất kiên trì giải thích để SGK mới thực sự là mới, cập nhật kiến thức, đồng hành cùng các nước trên thế giới”, PGS Tuấn nói.
Theo PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, điểm mới trong SGK lần này là các hoạt động học tập rất sáng tạo và linh hoạt, thể hiện lấy học sinh làm trung tâm, tính dân chủ trong giờ học. Đặc biệt tuân thủ quá trình nhận thức của học trò. Để xây dựng được bài học tuân thủ những điều trên, các tác giả hết sức đắn đo, thậm chí các nhóm tác giả tranh luận gay gắt để đi đến thống nhất, thiết kế bài học đảm bảo tiêu chí trên.
Theo Nguyễn Trang (VOV.VN)