Tổ chức học bán trú: Nơi mạnh dạn, chỗ nghe ngóng
Từ sau tết Nguyên đán, bậc học mầm non đồng loạt mở lại bán trú trên cơ sở các trường chủ động thực hiện, dựa trên đánh giá mức độ an toàn, đồng thuận của phụ huynh và địa phương thống nhất.
Phụ huynh tự nguyện, địa phương đồng ý
Tuần đầu tiên đón trẻ trở lại trường sau tết, Trường Mầm non Sen Hồng (TP Quy Nhơn) mở lại bán trú. Trường có 2 cơ sở, từ 19 lớp với khoảng 450 trẻ, thì nay giảm chỉ còn chừng 150 cháu. Mở bán trú, toàn bộ quy trình đón trẻ; đo thân nhiệt, sát khuẩn tay nhanh; giãn cách giờ ăn, bàn ăn chỉ bố trí 3 trẻ/bàn, sau bữa ăn trẻ súc miệng bằng nước muối… được trường tuân thủ nghiêm ngặt. Ngoài 2 cô giáo/ lớp, trường có 2 nhân viên y tế, 3 cấp dưỡng bếp ăn. Sĩ số từ chỗ 20 - 25 trẻ/lớp trước đây, đến giờ chỉ còn 5 - 10 trẻ/lớp.
Bậc học mầm non đồng loạt mở lại bán trú cho trẻ từ sau tết. Ảnh: MAI HOÀNG
Phó Hiệu trưởng Huỳnh Thị Như Thùy cho biết: “Lớp ít trẻ nhưng trẻ hiếu động nên việc đảm bảo giãn cách, an toàn được trường chú trọng. Chúng tôi phối hợp với phụ huynh phổ biến cho trẻ các kỹ năng phòng dịch; quy trình xử lý nếu có F0 trong trường cũng được phổ biến đến phụ huynh để tránh tâm lý hoang mang nếu sự cố xảy ra. Trong quá trình học, cô giáo tỉ mỉ quan sát các biểu hiện của trẻ và phối hợp với phụ huynh để nắm bắt kịp thời tình hình sức khỏe của trẻ”.
Việc tổ chức bán trú cho trẻ được các trường mầm non thực hiện thận trọng. Theo nhiều trường, tổ chức bán trú thời điểm này rất vất vả, thậm chí không đủ thu - chi, bởi chi phí phòng, chống dịch lớn trong khi trẻ đến trường chưa đủ 100%, nhưng đây là nhu cầu chính đáng của phụ huynh nên trường cố gắng đáp ứng.
Cô Đặng Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (TP Quy Nhơn), cho biết, trường tổ chức bán trú trên cơ sở đăng ký tự nguyện của phụ huynh và được địa phương đồng ý. Trong khi bán trú, tập trung là đương nhiên nhưng trường có kế hoạch riêng - cô Hà nói và dẫn chứng - trước đây các em ngồi ăn tập trung thì nay bố trí mỗi bàn ăn chỉ 1 - 2 trẻ ăn tại lớp, mỗi trẻ có đồ cá nhân riêng để đảm bảo giãn cách tối đa trẻ trong giờ ăn, giờ ngủ và sinh hoạt tại lớp. Đồng thời, phụ huynh tham gia giám sát việc quản lý bán trú và nấu ăn bán trú cho trẻ.
Trường Mầm non Hoa Hồng bố trí giãn cách 1 trẻ/bàn ăn. Ảnh: M.H
Trường Mầm non Nhơn Hưng (TX An Nhơn) mở bán trú từ ngày 17.2 với 10 lớp, 198 trẻ. Trường phân công nhiệm vụ từng thành viên thực hiện công tác dạy lại và tổ chức bán trú. “Khó nhất hiện nay là Covid-19 còn âm thầm trong cộng đồng, người bị dương tính nhưng không biểu hiện trên lâm sàng, khó nhận biết. Bởi thế, các cô phải kiểm soát kỹ những biểu hiện bất thường ở trẻ trong quá trình học tại trường”, Hiệu trưởng Võ Thị Bé cho hay.
Trường đủ điều kiện nên bán trú
Mở bán trú, học hai buổi/ ngày là chủ trương của ngành GD&ĐT tỉnh khi thực hiện kế hoạch tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, bắt đầu từ ngày 14.2. Các trường ở địa bàn nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình dịch Covid-19, bậc học mầm non và tiểu học dạy 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú ở những nơi đủ điều kiện.
Bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng phòng GD&ĐT TX Hoài Nhơn cho hay, thị xã mở bán trú bước đầu có 10 trường mầm non. Nhưng sau tết tình hình dịch phức tạp trở lại, đến ngày 22.2 chỉ còn 4 trường vùng xanh mở bán trú là Mầm non Bồng Sơn, Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Mỹ.
Ăn, ngủ tại lớp, suất ăn riêng
Ngày 21.2, Bộ Y tế đã gửi Bộ GD&ĐT hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp, nêu rõ: Nếu tổ chức cho trẻ học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành GD&ĐT. Trong đó, bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp. Ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó, không chung với các lớp khác. Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung đồ dùng cá nhân. Vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường)…
“Từ ngày 15.2 đến nay, 13/18 trường mầm non tại An Nhơn đã tổ chức bán trú. Các trường đã thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch và sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Các trường báo cáo tình hình giáo viên, trẻ hằng ngày. Riêng khối trường tiểu học, An Nhơn chỉ có duy nhất 1 trường trong diện tổ chức bán trú nhưng trường này đã có báo cáo chúng tôi xin chưa mở bán trú”, ông Lâm Lăng Long, Trưởng phòng GD&ĐT TX An Nhơn cho biết.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn hai địa phương chưa tổ chức bán trú ở bậc mầm non là Tuy Phước và Hoài Ân. Bà Hoàng Ngọc Tố Nương, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước, cho biết: Phòng GD&ĐT huyện đã phối hợp ngành liên quan kiểm tra các trường mầm non đều có đủ điều kiện tổ chức bán trú, bắt đầu từ đầu tháng 3.2022. Nhưng theo cấp độ dịch có 4 xã vùng cam là Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Lộc và Phước Nghĩa sẽ không tổ chức bán trú.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm, nguy cơ lây nhiễm giữa việc tổ chức bán trú hoặc không tổ chức khi cho học sinh trở lại trường là như nhau. Do đó, nếu đã mở cửa trường mà không mở bán trú, việc học trực tiếp không nhiều ý nghĩa. Những trường có điều kiện nên tổ chức bán trú để vừa đảm bảo việc học tập của trẻ, vừa thuận lợi cho việc chăm sóc, đưa đón con của phụ huynh, tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm làm việc. “Tuy nhiên, các trường phải thực hiện đánh giá về cấp độ dịch, mức độ an toàn, phụ huynh tự nguyện đăng ký, quyết định cho phép của địa phương thì mới được tổ chức mở bán trú”, ông Liêm nhấn mạnh.
MAI HOÀNG