Nhóm cùng sở thích Nhơn Hưng: Duy trì và nâng cao chất lượng rau an toàn VietGAP
Đến nay, nhóm cùng sở thích (NCST) phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn) đã xây dựng được vùng trồng rau an toàn hợp chuẩn VietGAP với quy mô 4 ha. Từ năm 2021 đến nay, Dự án Rau an toàn Bình Định hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, bảng biểu cho quầy rau an toàn Nhơn Hưng; hỗ trợ NCST xây dựng nhà sơ chế rau. Cùng với việc hỗ trợ về kỹ thuật, nhằm làm đa dạng các sản phẩm phục vụ thị trường, Dự án còn hỗ trợ NCST Nhơn Hưng đưa vào sản xuất nhiều giống rau mới như: Cải bó xôi, súp lơ, xà lách cuộn giòn, cải thìa… Ngoài ra Dự án còn xây dựng kế hoạch tiếp thị, quảng bá sản phẩm rau an toàn Bình Định - nhãn hiệu Lá Lành của nhóm Nhơn Hưng tới đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Theo bà Đinh Thị Lệ Huyền, nhóm trưởng NCST sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP Nhơn Hưng, nhóm tiếp tục ổn định vùng trồng, để duy trì và kiểm soát quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hợp chuẩn VietGAP. Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới sản phẩm an toàn, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, nên thay vì mở rộng diện tích tràn lan, NCST Nhơn Hưng tập trung vào vùng diện tích được quy hoạch, đầu tư cho các sản phẩm chủ lực như khổ qua, dưa leo, đu đủ và đậu bắp cung cấp cho hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, các quày rau an toàn trong tỉnh.
Nhóm cùng sở thích Nhơn Hưng từng bước phát triển rau an toàn Bình Định - nhãn hiệu Lá Lành, lan tỏa tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh về sản phẩm. Ảnh: VP DA Rau an toàn BĐ.
Trong năm 2022, theo kế hoạch sản xuất, NCST Nhơn Hưng tiếp tục duy trì thành viên và diện tích đã được quy hoạch. Thành viên của nhóm xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, linh hoạt nhằm đa dạng sản phẩm, tranh thủ sự hỗ trợ của Dự án Rau an toàn Bình Định để nâng cao về kỹ năng, kiến thức, học thêm về khả năng bán hàng để kết nối, mở rộng thị trường.
Theo ông Phạm Tấn Phát, Điều phối viên Dự án Rau an toàn Bình Định, trong thời gian qua, NCST Nhơn Hưng hoạt động rất hiệu quả. Các thành viên của nhóm tích cực học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất rau an toàn VietGAP, từng bước góp phần vào việc phát triển Rau an toàn Bình Định - nhãn hiệu Lá Lành. Trong thời gian thực hiện Dự án kéo dài, đơn vị phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chính quyền địa phương tiếp tục đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP cho nông dân các nhóm cùng sở thích; chuyển giao ứng dụng KHKT và công nghệ trong chăm sóc cây trồng. Các chuyên gia của Dự án kết nối với các nhóm trưởng nắm bắt tình hình, kịp thời có những hỗ trợ phù hợp.
QUANG BẢO