Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng của Chính phủ: Doanh nghiệp, ngân hàng chờ hướng dẫn
Chính phủ, Quốc hội đã giao cho ngành Ngân hàng triển khai hỗ trợ lãi suất 2% cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, hiện các ngân hàng thương mại vẫn còn “án binh” chờ hướng dẫn chi tiết từ các hội sở.
Triển khai Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, ngày 30.1.2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, trong đó đáng chú ý là giải pháp hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) đối với các khoản vay dành cho DN, HTX, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực, như: Hàng không; vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Các DN xuất khẩu thủy sản cũng mong chính sách hỗ trợ của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi sản xuất kinh doanh.
- Trong ảnh: Công ty CP Thủy sản Bình Định thu mua, chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu. Ảnh: TIẾN SỸ
Ông Nguyễn Hoàng Vũ - Giám đốc Công ty CP Khách sạn Hoàng Yến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định - chia sẻ: Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phần lớn các DN là thành viên của Hiệp hội đều phải ngừng hoạt động, hàng trăm nhân viên và người lao động không có việc làm. Hiện các DN đang rất cần vốn để đầu tư khôi phục và phát triển kinh doanh, được Nhà nước hỗ trợ lãi suất vào thời điểm này là rất kịp thời, đáp ứng nguyện vọng của DN.
Các DN xuất khẩu thủy sản cũng mong chính sách hỗ trợ của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, cùng với nỗ lực của chính mình, việc Nhà nước hỗ trợ lãi suất sẽ giúp DN giảm bớt áp lực về tài chính, từ đó việc phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, cho biết Chi nhánh chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đại diện các ngân hàng: NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định), Công thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (VietinBank Bình Định), Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Vietcombank Bình Định), Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (BIDV Bình Định), cũng cho biết hiện gói hỗ trợ lãi suất vẫn chưa được triển khai.
Giám đốc một chi nhánh ngân hàng cho hay: Trước mắt chúng tôi vẫn tiếp tục tiết kiệm chi phí hoạt động và chia sẻ lợi nhuận với DN thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng với lãi suất cạnh tranh, đồng thời tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho DN bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là giải pháp quan trọng để DN không bị chuyển sang nhóm nợ xấu, đủ điều kiện tiếp cận được dòng vốn vay hỗ trợ lãi suất để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ chỉ dành cho một số ngành, lĩnh vực, một số nhóm đối tượng chứ không phải cho tất cả các DN, cơ sở sản xuất. Do vậy phải chờ hướng dẫn tỉ mỉ, đầy đủ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hội sở.
PHẠM TIẾN SỸ