Khó giải bài toán thiếu giáo viên nhưng vẫn phải tinh giản biên chế
Mặc dù các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như dồn dịch trường, lớp, bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên... nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn không thể khắc phục, nhất là khi các địa phương vừa phải giải quyết bài toán thiếu giáo viên lại vừa phải thực hiện tinh giản biên chế.
Sáng nay (25.2), Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh Covid-19.
Báo cáo về vấn đề giáo viên tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành giáo dục đang thừa khoảng 10.000 giáo viên và thiếu khoảng 94.700 giáo viên, trong đó thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương, thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán.., thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật....
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại phiên giải trình.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, trong bối cảnh số học sinh huy động ra lớp ngày càng tăng, yêu cầu về đảm bảo chất lượng giáo dục ngày càng cao, trong khi biên chế giáo viên không tăng đã gây ra áp lực không nhỏ đối với ngành giáo dục. Bộ GD&ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung số biên chế trên theo lộ trình đến năm 2025, trước mắt năm học 2021-2022 trình bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.
Về định mức giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ để sửa đổi các Thông tư liên tịch số 06 và Thông tư số 16 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc xây dựng ban hành định mức giáo viên/học sinh theo vùng miền trong dự thảo Thông tư không phải mục đích là tăng hay giảm biên chế, tăng giảm số lượng giáo viên mà là nhằm bảo đảm giáo viên để thực hiện Chương trình GDMN, GDPT trong đó có tính đến yếu tố vùng miền cho phù hợp thực tiễn.
Xu hướng chung hiện nay là tỷ lệ học sinh/giáo viên và sĩ số học sinh trên lớp được giảm dần. Đây là cơ sở để nâng cao hiệu quả giáo dục. Học sinh trở thành trung tâm của quá trình dạy học. Đứng trước xu thế tỷ lệ phân bổ giáo viên trên học sinh, tỷ lệ giáo viên/ lớp tại một số quốc gia có nền giáo dục phát triển và có nền văn hóa và kinh tế tương đồng với Việt Nam không ngừng được điều chỉnh, nền giáo dục Việt Nam cũng phải xem xét lại một cách toàn diện các tỷ lệ này theo đơn vị địa lí, theo khu vực và các địa bàn khác nhau một cách hợp lí giữa miền núi và miền xuôi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn, vùng đồng bằng, vùng đô thị
Nói về những chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhà giáo được thực hiện ở nhiều nội dung khác nhau, từ tuyển dụng, đến đào tạo, bồi dưỡng. Các quy định của pháp luật về đội ngũ nhà giáo được đề cập tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, dẫn tới khó khăn cho đội ngũ nhà giáo trong việc tra cứu và áp dụng văn bản pháp luật và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Một số nội dung đặc thù của đội ngũ nhà giáo nhưng chưa được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật hoặc quy định chưa đầy đủ, hoặc khi phải áp dụng chung với viên chức các ngành, lĩnh khác nên chưa phù hợp. Một số văn bản quản lý chưa thực sự đồng bộ, chưa rõ và thiếu sự thống nhất dẫn đến việc áp dụng chính sách cho nhà giáo tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh cần có chính sách cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho cán bộ, giáo viên cống hiến và gắn bó với nghề, chú trọng hỗ trợ và trao quyền cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Từ những thực tế trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội có ý kiến với Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD&ĐT giao bổ sung số biên chế giáo viên còn thiếu cho ngành Giáo dục theo lộ trình (94.714 biên chế trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2026).
"Mặc dù các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như dồn dịch trường, lớp, bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên..., nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn không thể khắc phục, nhất là trong bối cảnh các địa phương vừa phải giải quyết bài toán thiếu giáo viên lại vừa phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Do đó, đề nghị Ủy ban Văn hóa giáo dục có ý kiến với Chính phủ để có phương án tinh giản biên chế phù hợp đối với ngành Giáo dục. Các địa phương không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học vì chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức nhưng vẫn yêu cầu giảm 10% biên chế dẫn đến thiếu nhiều giáo viên đứng lớp, trong bối cảnh tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng cao và thực hiện Chương trình GDPT 2018", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề xuất.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành các trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể. Chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao. Chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng các giải pháp để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên theo điều kiện của địa phương, điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, xem xét thay đổi vị trí việc làm hoặc tinh giản biên chế với những đối tượng phù hợp, bố trí đủ cơ sở vật chất để dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học….
Theo Nguyễn Trang (VOV.VN)