Những người trẻ khởi nghiệp thành công
Thời gian qua, Đoàn Thanh niên các cấp đã quan tâm hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện để nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công. Dưới đây là 2 trường hợp như thế.
Thành công từ nghề đan nhựa giả mây
Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy (SN 1988) lớn lên trong một gia đình thuần nông tại thôn Kinh Tế, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh. Ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính quê hương, năm 2019, chị quyết định lập nghiệp bằng nghề đan nhựa giả mây.
Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy hướng dẫn công nhân đan mây nhựa trên các chi tiết. Ảnh: CHƯƠNG HIẾU
Khi mới bắt đầu, chị Thủy đã gặp không ít khó khăn với số vốn ít ỏi. Năm 2021, chị được Tỉnh đoàn hỗ trợ vay 150 triệu đồng từ Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp, với lãi suất ưu đãi 0,3%/tháng trong 2 năm. Từ đó, chị có thêm điều kiện đầu tư nhiều máy móc, mở rộng cơ sở, mua vật liệu và tuyển thêm nhiều nhân công. Đồng thời, chủ động nhận thêm nhiều đơn hàng, tạo việc làm thường xuyên cho nhân công. Cơ sở đem lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm cho 20 lao động với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Chị Thủy chia sẻ: “Tôi quan niệm rằng, để chinh phục các khách hàng mới thì sản phẩm của mình phải đạt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp; từng mũi đan phải chắc tay, chỉn chu thì sản phẩm bền, chắc chắn, mới gây chú ý cho khách hàng”.
Về hướng phát triển trong tương lai, chị cho biết đang đặt mua thêm máy móc, ô tô tải, mở rộng cơ sở và phát triển thêm nhiều mẫu mã mới để bán những mặt hàng này đến các thị trường trong, ngoài tỉnh.
Đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng
Xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất công nghiệp của Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Toàn Lights (thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) vào những ngày đầu năm 2022 bận rộn hơn vì những đơn hàng có từ trước Tết. Anh Trần Thanh Toàn - Giám đốc Công ty vừa tranh thủ chỉnh sửa lại bản vẽ thiết kế sản phẩm, vừa nhắc nhở nhân viên trong xưởng cẩn thận hơn với từng sản phẩm gỗ lắp ghép.
Anh Trần Thanh Toàn hướng dẫn thợ hoàn thiện các chi tiết gỗ sau lắp ghép. Ảnh: CHƯƠNG HIẾU
Tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư điện (Trường ĐH Nha Trang), Toàn trở về quê kinh doanh cửa hàng điện. Với khao khát được làm chủ, muốn tìm hiểu về những cái mới, chàng trai 32 tuổi đã dùng số tiền tích cóp được và huy động vốn từ bạn bè, người thân để thành lập cơ sở sản xuất, thiết kế đồ gỗ nội thất công nghiệp…
“Trong giai đoạn 2020 - 2021, các cơ sở Đoàn phối hợp với Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh đã hỗ trợ 8.129 thanh niên vay 404 tỷ đồng. Đồng thời, Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp và Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm của Trung ương Đoàn đã giải ngân hơn 4,2 tỷ đồng cho thanh niên vay vốn, hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp. “Nhờ đó, các ĐVTN đã có sự năng động, sáng tạo và quyết tâm trên con đường khởi nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn NGUYỄN THÀNH TRUNG
Theo anh Toàn, thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn vì vốn đầu tư máy móc lớn, không có thợ chuyên nghiệp, hầu hết các kiến thức phải tự học lại trên sách vở, internet. Thêm vào đó, vì tuổi đời còn trẻ nên khi làm việc, nhiều khách hàng chưa đủ tin tưởng; khi nhận được những đơn hàng nhỏ lẻ, anh cũng phải tự mình cầm thước tới đo đạc, tư vấn, lấy ý kiến khách hàng để hoàn thiện sản phẩm tốt hơn và lấy kinh nghiệm cho mình.
Nhờ làm việc chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng từ những công trình, sản phẩm thực hiện của anh đã chiếm được lòng tin của khách hàng. Cơ sở ngày càng phát triển khi đơn hàng ngày càng nhiều, doanh thu không ngừng tăng lên. Đồng thời, được sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, anh đã mạnh dạn vay 295 triệu đồng từ nguồn vốn của Trung ương Đoàn để mở rộng xưởng và đầu tư thêm máy móc hiện đại. Chỉ sau 2 năm, từ một cơ sở nhỏ, anh đã thành lập Công ty và mở văn phòng trưng bày. Từ đó, giải quyết việc làm cho 8 lao động, với thu nhập 6 - 12 triệu đồng/tháng.
Anh Toàn chia sẻ: “Phải đáp ứng tốt nhất những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế cũng như cung cách phục vụ. Ngoài ra, tôi phải đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại hơn để có sản phẩm đẹp, thu hút được nhiều khách hàng hơn”.
CHƯƠNG HIẾU