Tính lại “bài toán” vỉa hè ở TP Quy Nhơn: Cần giải pháp căn cơ
Cho rằng không phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay và chính quyền địa phương rất khó khăn trong công tác quản lý trật tự đô thị, UBND TP Quy Nhơn kiến nghị tỉnh điều chỉnh về tuyến đường được phép sử dụng tạm thời vỉa hè vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa.
Câu chuyện vỉa hè tại Quy Nhơn đã tốn không ít giấy mực và công sức của cơ quan quản lý địa phương nhưng đến nay vỉa hè ở thành phố vẫn còn khá lộn xộn.
Kiến nghị cho thuê lại một phần vỉa hè
Năm 2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định 20/2012/QĐ- UBND trong đó quy định về quản lý, sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường ngoài mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh. Triển khai quyết định này, UBND TP Quy Nhơn ra Quyết định 7950/QĐ-UBND về phương án quản lý, sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, với 9 tuyến đường được tỉnh cho phép sử dụng một phần để kinh doanh, buôn bán là Lê Duẩn, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Ngô Mây, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàn Mặc Tử, Hoa Lư.
Vào buổi tối, không chỉ lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, nhiều hộ kinh doanh trên đường Ngọc Hân Công Chúa còn tràn xuống lòng đường. Ảnh: THU HIỀN
Việc kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè các tuyến được giao cho phường cấp phép cho thuê, mức thu từ 1.000 - 6.000 đồng/ m2/tháng. Theo ông Nguyễn Thái Diễn, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Quy Nhơn, năm 2020 có 5/12 phường cấp phép cho thuê tạm thời một phần vỉa hè với 274 giấy phép, tổng số phí thu được là 78 triệu đồng.
Đến cuối tháng 10.2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định 70/2020/QĐ-UBND trong đó bãi bỏ việc cấp phép sử dụng vỉa hè vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Đây là cơ sở khiến UBND TP Quy Nhơn ra văn bản yêu cầu các địa phương dừng ngay thủ tục cấp phép cho thuê tạm thời một phần vỉa hè.
Tháng 4.2021, UBND thành phố kiến nghị tỉnh điều chỉnh bổ sung với nội dung “sử dụng vỉa hè vào việc kinh doanh, buôn bán, hàng hóa”. Ông Diễn lý giải, việc bãi bỏ quy định cho thuê tạm thời một phần vỉa hè để kinh doanh, buôn bán không phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay và chính quyền địa phương rất khó khăn trong công tác quản lý trật tự đô thị. Thành phố kiến nghị điều chỉnh bổ sung, theo đó điều chỉnh về thẩm quyền phê duyệt danh mục giao cho UBND cấp thành phố căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế các công trình, tuyến đường do địa phương quản lý, phê duyệt danh mục công trình, tuyến đường được phép sử dụng tạm thời vỉa vè vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa.
Nói về vấn đề này, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng lý giải, Quyết định 20/2012/QĐ- UBND vừa đáp ứng nhu cầu của bộ phận người dân, vừa thực hiện hiệu quả hơn công tác quản lý trật tự đô thị. Tuy nhiên, trong lần Bộ Xây dựng kiểm tra các văn bản pháp luật của tỉnh ban hành thì một số nội dung của Quyết định 20/2012/ QĐ-UBND không đúng quy định. Sở Xây dựng rà soát, tham mưu tỉnh ban hành Quyết định 70/2020/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định 20/2012/QĐ-UBND. Điều chỉnh này khiến một bộ phận người dân và thành phố có ý kiến. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ đã quy định vỉa hè chỉ một mục đích là phục vụ cho việc đi lại, còn kinh doanh, buôn bán thì không có. Dù vậy, Sở Xây dựng ghi nhận kiến nghị của thành phố và sẽ báo cáo Bộ Xây dựng”.
Cần giải pháp căn cơ cho “bài toán” vỉa hè
Tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, khu vực công cộng làm nơi kinh doanh, buôn bán… không đúng quy định diễn ra phổ biến ở nước ta chứ không riêng gì TP Quy Nhơn. Chỉ cần lướt qua các tuyến đường: Xuân Diệu, Ngọc Hân Công Chúa, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Huệ, Trần Thị Kỷ, Bình Hà, Trần Hưng Đạo (trước Tòa giám mục), Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Quảng trường Chiến Thắng, khu vực trước cổng BVĐK tỉnh… sẽ thấy rõ điều này. Các vi phạm đang tồn tại công khai, nhiều địa phương có vi phạm chưa được xử lý dứt điểm thì các vi phạm mới đã xuất hiện.
Các cấp từ thành phố đến phường, xã đã tổ chức những đợt ra quân kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè, song thực tế hiệu quả còn thấp, không có tính bền vững. Năm 2021, thành phố xử lý lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, buôn bán 193 trường hợp, hơn 54 triệu đồng; nhắc nhở hơn 800 trường hợp. Từ sau tết Nguyên đán 2022, việc lấn chiếm vỉa hè diễn ra với mức độ lớn hơn xưa nay rất nhiều.
Trong Chương trình hành động số 04-CTr/TU của Thành ủy Quy Nhơn về “tăng cường chỉnh trang đô thị và quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng trên địa bàn TP Quy Nhơn đến năm 2025”, đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 mỗi phường đăng ký 2 tuyến đường được công nhận là tuyến đường văn minh “xanh - sạch - đẹp” và mỗi năm xây dựng 2 tuyến phố “không lấn, chiếm vỉa hè, lòng đường”.
Dù vậy ông Diễn cho hay: Việc quản lý ngăn nắp công tác kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè không thể làm “một sớm, một chiều” mà cần phải có thời gian. Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền với cách thức khác nhau cho từng đối tượng khác nhau. Quy hoạch ngăn nắp vỉa hè, quy hoạch địa điểm bán hàng rong. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý lấn chiếm vỉa hè. Thành phố cũng sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề với sự tham gia của hội nghề nghiệp, đơn vị có kinh nghiệm để tìm giải pháp quản lý vỉa hè hiệu quả hơn.
THU HIỀN