Sức mạnh của tình yêu thương
Với ưu thế mềm mỏng, kiên trì của người phụ nữ cùng sự khát khao cống hiến cho xã hội, nhiều phụ nữ công tác trong ngành Y đã để lại dấu ấn sâu đậm. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2, Báo Bình Định xin giới thiệu 3 gương mặt như thế.
Động lực từ tình yêu trẻ
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Đào - Phó Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh), bắt đầu sự nghiệp tại đây từ năm 1995. Với sự ân cần, nhẫn nại và tình yêu trẻ, chị Đào xem việc điều trị cho bệnh nhi là trách nhiệm thiêng liêng, với mong muốn giúp các em xua tan đi nỗi đau bệnh tật.
Chị chia sẻ: “Các bé có khi chưa nói được hoặc chưa mô tả được chính xác, chi tiết các triệu chứng. Do đó, tôi thường tìm hiểu tình trạng bệnh thông qua hỏi - nhìn - nghe - khám. Có như vậy mới theo dõi sát sao, đưa ra hướng điều trị phù hợp”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Đào thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: D.L
Được bác sĩ Đào tận tình thăm hỏi, chăm sóc, chị Nguyễn Thị My (huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai, mẹ của bệnh nhi Văn Nguyễn Huy Hoàng, 8 tuổi, mắc bệnh hẹp thanh quản), tâm sự: “Tôi vô cùng lo lắng vì bệnh tình của con, nhưng khi được bác sĩ Đào tư vấn hướng điều trị, tôi đã yên tâm hơn. Hơn nữa, bác sĩ còn tặng sữa cho bé, bé thích lắm! Điều đó giúp mẹ con tôi có thêm tinh thần để chiến đấu với căn bệnh”.
Hết mình với công việc, 7 năm liền (từ 2013 - 2019), chị nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, nhiều lần được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra, khi các người mắc Covid-19 trong quá trình công tác, là Chủ tịch Công đoàn cơ sở, chị tích cực vận động mọi người cùng chung tay hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, giúp đồng nghiệp yên tâm điều trị bệnh.
Nghiên cứu là đam mê
Phụ nữ Việt Nam không chỉ “đảm việc nhà” mà còn “giỏi việc nước”. Từ năm 1997 đến nay, TS, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Như Tú - Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) đã thực hiện 20 đề tài nghiên cứu khoa học, có 24 bài báo tiếng Anh và tiếng Việt được đăng trên các tạp chí có uy tín trong lĩnh vực Y khoa.
Phần lớn các đề tài nghiên cứu chủ yếu là về chăm sóc và cải thiện, nâng cao sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, đặc biệt là chị em người dân tộc thiểu số. Mới nhất, đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình sàng lọc ung thư vú dựa vào y tế cơ sở cho phụ nữ trong độ tuổi nguy cơ tại huyện Vân Canh” do chị làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu và xếp loại Xuất sắc.
Với phương châm “tất cả vì sức khỏe phụ nữ”, chị dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu. Chị còn đến các xã vùng cao tập huấn cho người dân tộc thiểu số, giúp họ hiểu rõ, ghi nhớ quy trình khám sàng lọc tại cơ sở.
“Vượt qua những trở ngại về ngôn ngữ, tôi cố gắng truyền đạt đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ để ai cũng có thể là một tuyên truyền viên tích cực, giúp nhiều chị em được tiếp cận dịch vụ và tự chăm sóc sức khỏe sinh sản hiệu quả hơn”, chị Tú chia sẻ.
Góp sức trẻ cho cộng đồng
Điều dưỡng Lê Thị Thu Thủy (đang công tác tại BVĐK tỉnh) luôn nhiệt huyết với những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Từ năm 2013 đến nay, chị là gương mặt quen thuộc trong các đợt hiến máu tình nguyện, chương trình thiện nguyện giúp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện.
Điều dưỡng Lê Thị Thu Thủy chăm sóc bệnh nhân tại khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh). Ảnh: NVCC
Tháng 7.2021, chị Thủy là một trong những tình nguyện viên tích cực tham gia chi viện cho lực lượng tuyến đầu tại miền Nam trong cuộc chiến với Covid-19. Chị Thủy tâm sự: “Khi đó, tình hình dịch ở miền Nam vô cùng căng thẳng. Tôi vô cùng xúc động trước hình ảnh y bác sĩ nơi đây dốc sức mình, giành lại sự sống cho bệnh nhân. Do đó, tôi đã chủ động xung phong vào tâm dịch, hỗ trợ đồng nghiệp cùng giúp đỡ người dân”.
Trong những ngày tháng miệt mài chống dịch xa nhà, chị Thủy không may mắc Covid-19. Quay trở về công tác tại đơn vị, chị Thủy lại tiếp tục với công việc hằng ngày, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện hướng đến bênh nhân khó khăn. Chị cho hay, thông qua việc trò chuyện với những người bệnh khó khăn, lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm sẽ tăng lên, giúp chị có thêm động lực để tiếp tục rèn luyện, góp sức nhiều hơn nữa cho cộng đồng.
DƯƠNG LINH