Tôm chua Mỹ Chánh
Tôm chua được làm ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, nhưng tôm chua được muối tại xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ được khách hàng nhiều nơi chọn mua bởi con tôm giữ được độ giòn ngọt, thơm ngon, đậm đà.
Bà Nguyễn Thị Lễ, người có thâm niên hơn 20 năm làm tôm chua ở thôn An Xuyên 1, xã Mỹ Chánh và cũng là người được ghi nhận là người đầu tiên ở xã Mỹ Chánh làm tôm chua bán ra thị trường, chia sẻ: Món tôm chua ngon hay không phụ thuộc vào hai yếu tố chính là tôm và nước mắm.
Theo bà Lễ, tôm được chọn muối chua phải là tôm đất tự nhiên được bắt tại các ao, đìa. Điểm đặc biệt ở con tôm đất tự nhiên là tôm ngọt, chắc thịt; vỏ tôm không dày như tôm thẻ nhưng không mỏng như tôm ở đầm, nên sau khi muối, con tôm vẫn giữ được độ giòn.
“Tôm dùng để muối chua phải là tôm đất còn tươi sống mới ngon. Vì vậy cũng như tôi, hầu hết những người làm tôm chua để bán tại Mỹ Chánh đều chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ để muối chua tôm, rồi mới đặt mua, đưa về là làm luôn. Sơ chế tôm xong nhất định phải rửa qua bằng rượu gạo, sau đó lại ngâm tiếp trong rượu tầm mươi phút. Kế tiếp phải phơi trong mát để con tôm thật ráo. Tôm chua Phù Mỹ sở dĩ có tiếng là nhờ nguyên liệu tốt, thứ đến là khi chế biến bà con làm vừa đủ nhanh - không quá lẹ, bỏ mất công đoạn thì tôm sẽ không ngon, nhưng nếu kỹ càng mà lâu quá thì con tôm có thể bị ương. Chính như kỹ mà đủ nhanh nên tôm chua Phù Mỹ có thể thấm đều gia vị, giữ được lâu, không bị chua mềm” - bà Lễ giới thiệu.
Sau khi tôm được phơi ráo nước, sẽ được xếp vào hũ và cho nước mắm pha đường với tỷ lệ phù hợp cùng với ớt, gừng, tỏi, tiêu vào. Sau đó đem dang ngoài nắng. Tầm 1 tháng sau, khi con tôm chín, đỏ đều là ăn được. Hầu hết người làm tôm chua ở Phù Mỹ đều chọn nước mắm cá cơm Đề Gi làm theo phương pháp thủ công truyền thống.
Tôm chua Mỹ Chánh - Phù Mỹ, đặc biệt là sản phẩm từ gia đình bà Nguyễn Thị Lễ sản xuất không những đã chinh phục khách hàng trong tỉnh mà còn được khách hàng tại các địa phương khác như Gia Lai, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội tín nhiệm.
THANH TRỌN