Dưới tán cây mùa xuân…
Tản văn của TRẦN VĂN THIÊN
Một sớm mùa xuân trong veo. Những vạt nắng thanh mảnh, non tơ vắt ngang giậu cúc tần trước hiên vắng, khẽ chao đảo, rung rinh theo nhịp gió sau vòm lá thưa. Dường như lòng mình từ sâu thẳm cũng đang ngân rung những cung bậc tha thiết. Gió ngợp cánh đồng xuân, len vào giấc mơ buổi sớm mai diệu vợi, gợi về mong manh bao kỷ niệm vờ như đã ngủ yên. Đàn chim nhỏ từ đâu bay về cất tiếng hót nguyên sơ, gieo vào gió mây những nốt nhạc lao xao giữa sương mờ vương gót. Nắng bâng quơ đậu nhẹ trên đôi vai xuân thì, khẽ níu lòng mình trong bao xao động kín đáo, sâu xa…
Mùa xuân, ngay cả những ngày thật lạnh ở quê mình một vùng sóng nước ven đầm vẫn có nắng sóng sánh và đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng nghiêng nghiêng rọi qua vòm lá biếc, rắc ánh vàng lên chùm hoa chúm chím đong đưa, vương trên đôi cánh bồ câu đương chậm rãi mổ thóc ngoài bậc cửa. Thuyền ai neo dưới bến vắng vi vút gió reo qua đầu sào chong chao lượn trên những tầng trời nửa xanh nửa dùng dằng vàng rồi mới lùa hun hút vào xóm bãi.
Tranh của họa sĩ VŨ TRỌNG ANH
Màu xanh miên man của lá tràn vào tâm trí, như thôi thúc mình hoài vọng về một quãng đồng xanh mỡ màng, một vạt rừng bát ngát, hay ấp ủ những giấc mơ trong mảnh vườn của mẹ. Gió đầu xuân hây hẩy, lành lạnh đôi chút, đánh thức bao hồi tưởng êm ái bằng một làn hương thật đằm. Dưới vòm xanh yên lành, dường như những ô cửa trong tâm hồn cũng được mở ra, rộng lòng đón những tinh khôi vừa chớm. Giữa quãng vắng chênh chao, mình ngồi đợi những xa xôi quay về…
Tháng giêng mình hay ngồi ở hiên nhà hưởng gió đầm Thị Nại lùa về và nghĩ về những ngày đã qua. Chẳng có cái mốc thời gian nào cả nhưng những nỗi buồn tựa tiếng chuông gõ khẽ vào ngày xuân đưa ta về bằng yên. Những lúc ấy, mình nhớ dáng mẹ về cùng đôi quang gánh trìu trĩu lá dương, bước chân tất tả rẽ màn sương dày, chiếc nón lệch vương vài cọng lá. Những gánh lá khô sẽ được chất đầy một góc bếp để dành nhóm ngọn lửa mùa xuân ấm nồng. Đó là một hình ảnh man mác buồn nhưng đẹp mơ màng, đã lưu lại mãi trong tâm trí mình dẫu phôi pha năm tháng… Ở quê mình giờ đường rộng đã mở thật nhiều đi đâu cũng tiện, về phố cũng rất nhanh. Nhiều góc xóm nhỏ xinh xinh đã theo ánh mắt của du khách lên những khuôn hình và lan tỏa muôn phương. Sóng nước mặt đầm, những rặng mắm, hàng bần ken dày trải từ Phước Sơn, Phước Hòa tuôn dài theo vệt nước về phố thị Quy Nhơn...
Nhưng mình vẫn ngồi thật lâu, những hình ảnh loang loáng trôi nhanh để chỉ còn lại mình lặng nghe những cơn gió mùa xuân như đang hát điệp khúc đồng nội, tiếng đập cánh của một loài chim quen vụt bay lên từ nhành trúc, bầy ong mật vo ve lượn quanh những khóm hoa dại trắng vàng li ti. Nhắm mắt lại, để hơi thở hòa vào thinh vắng, mình hoàn toàn tự do trong một khoảng lặng dường như không có đường biên. “Sức mạnh của im lặng chính là để đôi mắt - cửa sổ tâm hồn, lên tiếng. Khi im lặng, ta nghe thấy rõ hơn những chiều sâu” (Agnes Ledig).
Mình thả rong ý nghĩ, tập làm một gợn mây trắng cứ khoan thai trôi cùng những đức tin. Cây lá với dòng diệp lục êm ả sẽ làm dịu đi ánh nhìn đa đoan và ru ngủ những đắng chát đã từng. Sự tĩnh lặng như sương non đầu ngày dần khỏa lấp tâm hồn. Luôn có đủ những ngăn trống vừa vặn cho ký ức. Mình bắt đầu vun xới những hạt giống hy vọng bên trong lòng mình, và một trái tim đủ yêu thương sẽ là mặt trời sưởi ấm cho khu vườn của hy vọng, khởi đầu từ mùa xuân. Năm xưa Xuân Diệu ngủ ở Tuy Phước để mà không ngủ, có vậy nhà thơ mới cảm nhận “Bây giờ Tuy Phước rộng đồng tốt ruộng/ Con đê ngăn mặn gió biển ru trời/ Đập Thạnh Hòa kênh mương tỏa xanh tươi/ Tiếng trạm bơm động ba hồ chứ a nước/ Một mảnh thịt của hồn ta - ôi Tuy Phước!”. Và nếu còn đến hôm nay có lẽ Xuân Diệu sẽ còn tha thiết yêu Tuy Phước nhiều hơn.