Độc đáo tour di sản văn hóa biển miền Trung
Đến Quảng Ngãi, du khách sẽ tận mắt chiêm ngưỡng hàng ngàn cổ vật từ những con tàu cổ đắm ở vùng biển Duyên hải miền Trung Việt Nam. Đó là sự trải nghiệm, khám phá kho tàng di sản văn hóa biển độc đáo có giá trị lịch sử, khoa học...
“Di sản từ những con tàu cổ” là triển lãm độc đáo tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi đang thu hút cả ngàn lượt du khách tham quan. Tại đây, hàng ngàn cổ vật, tư liệu, hình ảnh được trục vớt, sưu tầm từ những con tàu cổ đắm ở vùng biển miền Trung như tàu cổ Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), tàu cổ Bình Châu 1, Bình Châu 2 (tỉnh Quảng Ngãi), tàu cổ Bình Định (tỉnh Bình Định), tàu cổ Bình Thuận (tỉnh Bình Thuận)… gây ấn tượng mạnh trong lòng người xem.
Trong số đó, có những hiện vật quý hiếm như tượng nữ quý tộc men hoa lam trục vớt từ tàu cổ đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam thế kỷ thứ 15; đĩa men ngọc trục vớt từ tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi, thế kỷ 13, 14, cùng nhiều vật dụng quý bằng đồng, gốm men ngọc, men nâu, men sứ hoa lam, men sứ trắng xanh…
Cục dính đồ gốm và san hô thế kỷ 11, 12 từ tàu cổ vùng biển miền Trung.
Ông Hannes Schule, du khách người Thụy Sĩ thích thú khi tìm hiểu về văn hóa, lịch sử vùng biển miền Trung Việt Nam qua các cổ vật trưng bày tại đây. “Tôi cảm thấy rất thú vị khi tận mắt ngắm nhìn những cổ vật từ những con tàu cổ. Qua đây, tôi hiểu hơn về những nét văn hóa đặc trưng của vùng biển Quảng Ngãi và các địa phương của Việt Nam trước kia”.
Hàng chục năm qua, rất nhiều cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước được khảo sát tại vùng biển miền Trung Việt Nam với hàng trăm ngàn cổ vật được tìm thấy, trục vớt trên nhiều con tàu cổ bị đắm. Từ năm 1997 đến năm 2007, khoảng 200.000 cổ vật được phát hiện trên tàu cổ Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Rất nhiều đồ gốm phát hiện trên tàu đắm này khác hoàn toàn với các hiện vật được phát hiện trên những con tàu cổ khác ở vùng biển miền Trung. Nhiều sản phẩm gốm Chu Đậu, Hải Dương, từ thời Lê, có niên đại khoảng giữa thế kỷ 15.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, tàu cổ Bình Châu 1 có niên đại khoảng thế kỷ 17 được thăm dò khai quật năm 1999 tại eo biển Vũng Tàu thuộc thôn Châu Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Cũng tại khu vực này, tàu cổ Bình Châu 2 có niên đại thế kỷ 13, 14 được khai quật vào năm 2013 với hàng ngàn cổ vật gốm sứ, đồ dùng độc đáo…
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, di sản từ những tàu cổ cho thấy các tỉnh ven biển miền Trung là một mắt xích quan trọng trong giao thương quốc tế vào thời kỳ hoàng kim của Con đường tơ lụa trên biển: "Vùng biển Quảng Ngãi rất đẹp. Những bãi cát, rừng phi lao… còn giữ nguyên vẹn tính hoang sơ. Cộng đồng cư dân làng biển vẫn giữ được phong tục tập quán từ xa xưa. Kết hợp du lịch lặn biển để ngắm tàu cổ đắm, chúng ta có thể phát huy được giá trị văn hóa của cảnh quan và cộng đồng”.
Rất nhiều cổ vật quí được trục vớt từ các con tàu cổ đắm ở vùng biển miền Trung
Tư liệu lịch sử và kết quả điều tra khảo cổ học cho thấy, dọc miền Trung Việt Nam đã tồn tại và phát triển các bến cảng giao thương từ thời kỳ văn hóa Chămpa đến Đại Việt. Đến ngày nay các địa điểm thương cảng cổ này vẫn còn lưu lại dấu tích, nhiều nơi được phát huy thành những bến cảng hiện đại thuận lợi cho tàu thuyền cập bến, giao thương.
Hiện nay, Thành Cổ Quảng Ngãi là điểm tham quan du lịch duy nhất tại tỉnh này sở hữu bộ sưu tập cổ vật đồ sộ từ các con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam. Bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết, du khách sẽ có được những trải nghiệm thú vị, khám phá những giá trị độc đáo của di sản văn hóa biển ở tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung.
“Đây là một giá trị văn hóa khổng lồ, hứa hẹn sẽ là một sản phẩm du lịch thú vị mang lại nhiều kiến thức, giá trị về văn hóa Quảng Ngãi cũng như những giá trị văn hóa về lĩnh vực khảo cổ học dưới nước cho du khách cũng như giới nghiên cứu".
Theo Vinh Thông (VOV)