Huyện Vĩnh Thạnh: Chuyển biến tích cực trong bảo vệ và phát triển rừng
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã phát huy được tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chung tay cùng chính quyền để nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng.
Xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) có hơn 1.760 ha đất có rừng, lại giáp ranh với các địa phương ngoài tỉnh, ngoài ra tập quán canh tác cùng nhận thức của đồng bào người dân tộc thiểu số ở địa phương còn hạn chế. Đây là những yếu tố gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Đinh Luận cho biết: “UBND xã đã thành lập, xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng (gồm 25 thành viên) và 8 tổ đội xung kích. Từ năm 2021 đến nay, xã đã tổ chức được 7 đợt tuyên truyền với 545 lượt người dân tham gia. Nhờ đó, hạn chế tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy. Bà con tập trung trồng rừng, nhận khoán bảo vệ rừng để có thu nhập”.
Kiểm lâm địa bàn xã Vĩnh Thuận thường xuyên đến các hộ gia đình trong xã để tuyên truyền về việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: HỒNG PHÚC
Sau khi hoàn thành công việc chuyên môn, anh Đinh Giang Bình, cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Vĩnh Thuận, thường dành thời gian đến các hộ trong xã thăm hỏi đời sống và tuyên truyền bảo vệ rừng. “Ngoài kết hợp tuyên truyền cố định hằng tháng vào các buổi họp làng, người dân sẽ thấy được sự sâu sát, quan tâm của ngành chức năng khi mình đến tận nhà trò chuyện, phân tích thêm để bà con hiểu biết, chấp hành các quy định”, anh Bình chia sẻ.
Gia đình ông Đinh Văn Nhum (làng 8, xã Vĩnh Thuận) có 7 thành viên, tham gia nhận khoán bảo vệ gần 20 ha rừng. Hằng tháng ít nhất 2 lần, gia đình ông cùng các hộ nhận khoán liền kề đều đặn lên rừng để phát tuyến, kiểm tra diện tích rừng mình nhận quản lý. “Trước đây người dân phá rừng làm rẫy rất nhiều, nhưng đã giảm hẳn nhờ tuyên truyền hiệu quả. Bà con đều chú trọng vào việc quản lý tốt diện tích rừng mình nhận khoán. Nếu phát hiện có vi phạm, chúng tôi sẽ báo ngay với ngành chức năng của xã để xử lý”, ông Nhum nói.
Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh quản lý hơn 32.131 ha rừng, trong đó gần 21.545 ha rừng đã được giao khoán đến người dân. Năm 2021, diện tích rừng của đơn vị quản lý không xảy ra vụ vi phạm nào về khai thác gỗ trái phép. “Đơn vị thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn trao đổi, nắm bắt thông tin về công tác quản lý, bảo vệ, PCCC rừng và tổ chức lồng ghép tuyên truyền vào các buổi họp thôn, làng. Đồng thời, chúng tôi cử người trực ở các cửa rừng trực tiếp gặp người dân đi làm rẫy để tuyên truyền”, ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, cho biết.
Cùng với việc thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân; phối hợp với chính quyền các xã đến từng thôn, làng tổ chức cho người dân sống gần rừng ký cam kết không phá rừng, không canh tác trên diện tích rừng bị phá. Riêng năm 2021, huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức được 41 đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp cho gần 2.400 người dân; tổ chức cho 20 cơ sở cưa xẻ gỗ và trại mộc trên địa bàn ký cam kết không vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, các đơn vị của huyện có hoạt động kết nghĩa tổ chức thăm hỏi, tặng quà, kết hợp tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ các biện pháp đồng bộ, quyết liệt nên tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã chuyển biến tích cực. Trong năm 2021, trên địa bàn huyện đã giảm 2 vụ và 0,455 ha vi phạm phá rừng trái pháp luật (chủ yếu là dưới hình thức lấn biên rẫy xâm hại vào rừng); giảm 6 vụ vi phạm khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép so với năm 2020.
Ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, nhìn nhận: Chúng tôi xác định trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cái gốc phải từ nhận thức, ý thức của mỗi người dân. Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, đa dạng để người dân nắm bắt và tuân thủ pháp luật về lâm nghiệp.
HỒNG PHÚC