Trầm cảm ở trẻ vị thành niên: Không nên xem thường!
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tự tử là nguyên nhân tử vong đứng thứ 4 ở trẻ em từ 15 - 19 tuổi. Tại Việt Nam, đây cũng là vấn đề đáng báo động khi số lượng tự tử ở độ tuổi này ngày càng tăng. Và nguyên nhân dẫn đến tự tử ở lứa tuổi này là hội chứng trầm cảm.
Nhận diện trầm cảm
Trầm cảm là bệnh lý của rối loạn cảm xúc. Trong đó người bị trầm cảm có những triệu chứng cảm xúc âm tính như buồn, nằm một chỗ, không thích tiếp xúc ai, có ý nghĩ chán sống, đặc biệt là có rối loạn giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em có thể là ngủ rất nhiều hoặc ngủ ít chứ không chỉ là mất ngủ. Đồng thời, trầm cảm ở trẻ em lại có điểm khác hơn người lớn là rối loạn ăn uống. Khi mắc chứng cầm cảm, trẻ có thể ăn rất ít hoặc ăn rất nhiều, có khi rối loạn cân nặng.
Để phòng tránh trầm cảm ở trẻ vị thành niên, nhà trường cần tạo môi trường học tập thân thiện. Ảnh: T. KHUY
Bác sĩ Châu Văn Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tâm thần Bình Định, lưu ý: Theo dân gian, trầm cảm là buồn một cách vô cớ, ai cũng nghĩ người lớn mới bị trầm cảm mà không nghĩ là trẻ em bị cũng dễ mắc phải và thực tế có khá nhiều. Tỷ lệ mắc trầm cảm ở độ tuổi từ 6 - 17 tuổi là 3 - 5%. Vì nhiều người không hiểu về trầm cảm nên khi con mình có các dấu hiệu này thì không nghĩ con mình bị trầm cảm mà nghĩ là do tính cách em ấy trầm vậy thôi. Khi đứa trẻ đó tự tử thì đổ thừa rất nhiều nguyên nhân không khoa học. Vì vậy, bỏ qua triệu chứng nhận biết trầm cảm sẽ nguy hiểm vô cùng.
Theo bác sĩ Châu Văn Tuấn, gia đình, nhà trường, xã hội nhận biết được các biểu hiệu bất thường của các em càng sớm càng tốt; phải theo dõi sát khi các em có bất thường về cảm xúc, đặc biệt là buồn vô cớ. Những em trầm cảm thường có biểu hiệu như: Buồn, cảm giác tội lỗi; có ý tưởng chán sống; mất những hứng thú trước đây như nghe nhạc, tập thể dục thể thao; rút lui khỏi xã hội, không thích tiếp xúc ai, không thích giao du với bạn bè; học sa sút một cách bất ngờ. Khi theo dõi sát, việc phát hiện sớm ý tưởng, hành vi tự sát rất quan trọng. Khi con mình có biểu hiện buồn, cha mẹ nên khéo léo kiểm tra facebook, nhật ký xem trong đó có những nội dung mang màu sắc chia rẽ, tương lai đen tối, cảm giác tội lỗi… Đồng thời, cha mẹ nên chú ý khi con có những câu nói bâng quơ như: “Con thấy cuộc đời này không đẹp”, “thế giới hiện tại không phải là thế giới của con”, “không nên sinh ra ở cõi đời này”… Ngoài ra, nên xem lịch sử truy cập các trang web, bởi có những em tìm hiểu cách tự sát sao cho nhẹ nhàng…
Đừng e ngại!
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ em có thể kể đến như: Gia đình không hạnh phúc; bị bạn bè bắt nạt, chọc ghẹo, chơi xấu; bị lạm dụng tình dục… Để hạn chế vấn đề này, gia đình, nhà trường và xã hội có thể quan tâm, chú ý, giúp đỡ các em. Ngoài ra, xã hội hiện đại còn có các vấn đề như đua đòi, nghiện game. Những vấn đề này không chỉ chi phối hành vi mà còn chi phối cảm xúc. Khi đua đòi, những trẻ sống trong môi trường kinh tế đầy đủ thì không có nhiều ảnh hưởng nhưng nếu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thì một lúc nào đó phải làm “nô lệ” để được chơi chung, được hòa nhập. Đặc biệt hiện nay, rất nhiều trẻ vị thành niên nghiện game mà theo bác sĩ Tuấn, trong phân loại bệnh tâm thần lần thứ 11 vừa rồi của WHO có riêng 1 chương về bệnh lý rối loạn hành vi, cảm xúc do nghiện game. Đây là một vấn nạn tương đương ma túy.
Hiện nay tại Bình Định chưa có chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp, chưa có cơ sở tư vấn tâm lý, trị liệu tâm lý mà chỉ có bệnh viện chuyên khoa tâm thần với hệ thống chẩn đoán tâm lý. Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh: Để phòng, chống trầm cảm ở trẻ em, cha mẹ trẻ đừng e ngại, nên đưa trẻ đi khám sớm để biết được nguyên nhân, mức độ và có phác đồ điều trị phù hợp.
Để phòng trầm cảm ở tuổi vị thành niên, các chuyên gia khuyến cáo: Phụ huynh không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kỳ vọng quá cao tạo áp lực cho trẻ; cần tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ và trẻ để có thể tâm sự, chia sẻ; dạy trẻ kỹ năng sống để có khả năng đương đầu với những biến cố. Nhà trường cần tạo môi trường học tập thân thiện.
THẢO KHUY