Nhà màng chống bão - giải pháp vượt trội hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao
Có khả năng chống chọi với gió bão, thích ứng với nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tối ưu diện tích đất - đó là những ưu điểm vượt trội của giải pháp nhà màng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao do kiến trúc sư Lê Phương (Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng T.M.N) thiết kế. Giải pháp được kỳ vọng góp phần thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Ðịnh.
Nhà màng là một phần không thể thiếu trong nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nông nghiệp sạch và ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Là một trong những người tiên phong ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp tại Bình Định, anh Trần Bảo Diệp (HTXNN công nghệ cao La’sfarm, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân) kể: Những ngày đầu làm nông nghiệp CNC, tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là nhà màng. Mới gầy dựng xong nhà màng, trồng được vài vụ dưa, bão tới đánh sập hoàn toàn. Gần 2 năm sau tôi mới đầu tư được nhà màng mới, nhưng cứ nghe tin có bão là lại phập phồng lo sợ. Nhiều người làm nông nghiệp CNC như tôi cũng vậy.
Mô hình nhà màng chống bão tại Trạm nghiên cứu thực nghiệm KH&CN (xã Phước An, huyện Tuy Phước) vững chãi sau nhiều cơn bão. Ảnh: HỒNG HÀ
Đặc điểm nổi trội của giải pháp nhà màng chống bão do kiến trúc sư (KTS) Lê Phương thiết kế và sản xuất là áp dụng công nghệ thép nhẹ LGS. Đây là công nghệ sản xuất thép mới nhất hiện nay trên thế giới, chỉ mới phổ biến tại Việt Nam vài năm gần đây. Sau nhiều năm nghiên cứu, đến nay Công ty T.M.N đã làm chủ được quy trình sản xuất thép LGS.
Điểm sáng tạo của giải pháp không chỉ ở vật liệu sử dụng mà quan trọng hơn nằm ở chỗ mái vòm có kết cấu giàn không gian theo hình mái vòm tứ giác - kết hợp giữa hình cầu từ mô hình Dome Geodesic và hình tứ giác của sản phẩm nhà màng truyền thống. Kết cấu này cho phép gió trượt qua mái vòm từ nhiều hướng khác nhau. Sức gió càng lớn, lực nén xuống càng mạnh, giúp cho hệ kết cấu chống chọi được các cơn gió lớn. Nhờ vậy, nhà màng có khả năng chống chịu với gió bão cấp 11 - 12. Điều này đã được chứng minh thực tế qua mô hình nhà trồng rau thủy canh trong nhà màng do KTS Lê Phương thiết kế tại Trạm nghiên cứu thực nghiệm KH&CN (thuộc Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN, Sở KH&CN) tại xã Phước An, huyện Tuy Phước.
Th.S Lê Hồng Linh, phụ trách Trạm Nghiên cứu thực nghiệm KH&CN, cho biết: “Năm 2020, khi công trình vừa lắp đặt xong thì đón luôn cơn bão số 9 (Molave) có cường độ mạnh ập đến. Trong khi nhiều nhà cửa xung quanh đơn vị bị gió cuốn tốc mái, cây cối ngã rạp hết, nhà màng lại không hề hấn gì”.
“Giải pháp nhà màng chống bão được thiết kế ở những nơi có địa hình rộng rãi, phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp trong tỉnh, nhất là ngành nuôi tôm tập trung chủ yếu ở những vùng ven biển có khí hậu khắc nghiệt, gió bão thường xuyên. Hy vọng đây là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy ngành nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh phát triển”.
Th.S Võ Hữu Thiện (Thành viên Hội đồng thẩm định cấp cơ sở giải pháp nhà màng chống bão phục vụ nông nghiệp CNC của KTS Lê Phương)
Kết cấu giàn không gian theo hình mái vòm tứ giác còn giúp tối ưu diện tích bao che và tăng khả năng tải trọng của nhà màng. Theo kiến trúc sư Lê Phương: Kết cấu giàn không gian được ứng dụng trong xây dựng công nghiệp hiện đại. Nó đảm bảo được kết cấu vững chắc khi vượt nhịp lớn, không cần phải bố trí trụ chống đỡ như các kết cấu khác, nhờ đó tạo khoảng không gian trống trên đỉnh vòm nhà màng. Không gian trống này có thể sử dụng để lắp đặt các thiết bị như: Hệ thống cảm biến, tưới nhỏ giọt, tưới giả lập mưa, camera giám sát... mà không lo gây tác động đến tính chịu lực của kết cấu. Tận dụng hệ kết cấu vững chắc này, chúng tôi còn có thể thiết kế lắp đặt bể chứa nước mưa gắn trên khung nhà màng- đây là điều mà trước nay chưa có ai làm ở Việt Nam.
Nhờ kết cấu đặc biệt đó, nhà màng có thể ứng dụng trên nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, như: Ứng dụng nuôi tôm CNC, nuôi tôm theo công nghệ Biofloc và Semi-Biofloc, trồng trọt hữu cơ, sản xuất phân hữu cơ... Đồng thời, với hệ kết cấu không gian, giàn khung mái vòm được chia theo từng mắt nhỏ nên dễ lắp ráp và có thể linh hoạt điều chỉnh theo mọi địa hình, bề mặt của diện tích đất, thậm chí ở những diện tích bị xéo, méo. “Nhờ mô hình kết cấu được module hóa tạo điều kiện cho công nhân thi công dễ dàng, thời gian thi công nhanh hơn các giải pháp truyền thống”, KTS Lê Phương cho biết thêm.
Có dự định sử dụng nhà màng của Công ty T.M.N, anh Trần Minh Xuân, đại diện Công ty CP Yuuki Farm (TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Giải pháp của Công ty T.M.N giúp nông dân có thể tiếp cận sản phẩm nhà màng phục vụ CNC theo tiêu chuẩn quốc tế mà giá cả rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu. Dù chi phí đầu tư ban đầu cao hơn nhà màng truyền thống nhưng đảm bảo độ an toàn. Về lâu dài, đầu tư nhà màng này giúp ổn định sản xuất, không phải lo chạy bão, tính ra vẫn tiết kiệm hơn so với đầu tư nhà màng truyền thống”.
Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng T.M.N sản xuất cấu kiện thép nhẹ LGS từ năm 2019, với công suất tối đa 100 tấn/ngày. Đây là một trong 3 DN hiện nay ở Việt Nam sản xuất khung thép nhẹ LGS bằng quy trình công nghệ chuẩn hóa từ khâu thiết kế cho đến khâu sản xuất, hoàn toàn tự động. Giải pháp nhà màng chống bão của KTS Lê Phương đang trong quá trình kiểm nghiệm thực tế với mô hình nhà trồng rau thủy canh trong nhà màng tại Trạm nghiên cứu thực nghiệm KH&CN (Phước An, Tuy Phước). Giải pháp đạt giải khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam năm 2021.
HỒNG HÀ