Chế định đồng phạm
Có những vụ án có khá nhiều bị cáo tham gia, trong đó số bị truy tố tội đồng phạm chiếm phần lớn. Nhiều bị cáo khi ra trước tòa mới biết đồng phạm cũng bị truy tố cùng tội danh với người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Và có những người phạm tội đồng phạm mà không ý thức được mình đã phạm tội.
Cùng tội danh
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, đối với người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội (còn gọi là chính phạm), tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi đó gây ra thì sẽ bị xử lý theo một tội danh phù hợp quy định của luật. Người cùng chính phạm thực hiện hành vi phạm tội (gọi là đồng phạm), dù không trực tiếp gây ra hậu quả, nhưng khi chính phạm bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội gì, ở điều khoản nào thì các đồng phạm cũng bị tương tự.
Pháp luật quy định rõ là vậy, song trên thực tế, có không ít người cho rằng mình không trực tiếp gây ra hậu quả là không phạm tội. Chính nhận thức sai lầm này đã khiến nhiều người phải trả giá đắt cho hành vi của mình vì tội đồng phạm. Đơn cử như trong vụ án Trần Hoàng Trọng (Hoài Châu Bắc, Hoài Nhơn) cùng đồng phạm bị truy tố về tội giết người, được TAND tỉnh đưa ra xét xử sơ thẩm vào tháng 2.2014, Trọng là kẻ thủ ác vì trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân, Trần Văn Lai và Hồ Thanh Nghĩa dù chỉ chở đồng bọn đi tìm người đánh nhưng vẫn bị truy tố về tội giết người, cùng khung hình phạt với Trọng. Vì thế, Lai và Nghĩa phải lần lượt chịu các mức án nghiêm minh cho hành vi vi phạm pháp luật của mình là 9 năm tù và 7 năm tù.
“Việc xem nhẹ tính mạng, sức khỏe của người khác trong một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, rất đáng báo động”
Ông ĐỖ TẤN PHƯỚC, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố - kiểm sát điều tra - kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trị an - an ninh - ma túy, Viện KSND tỉnh
Thực tế, nhiều đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội của mình chỉ vì a dua, làm theo số đông và thậm chí không nhận thức được hành vi của mình là phạm tội, cho đến khi bị khởi tố điều tra và ra tòa. Như bị cáo Nguyễn Vỹ, Trần Thanh Thắng bị truy tố với tội danh đồng phạm với bị cáo Nguyễn Hữu Tấn (đều ở xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát) về tội giết người. Tuy cả Vỹ và Thắng đều không trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân, cũng không trực tiếp chứng kiến cái chết do đồng bọn gây ra cho nạn nhân, song Thắng với vai trò là người chở đồng bọn đi gây án, Vỹ là người hưởng ứng tích cực, giúp sức đồng bọn cùng đi gây án, nên đều phải chịu trách nhiệm hình sự về cái chết của nạn nhân. Trước HĐXX, Vỹ cho rằng lúc đó mình là người giúp sức cho Tấn nhưng mục đích là để dọa thôi chứ không có ý định giết người. Còn Thắng thì ngây ngô: “Việc Tấn đánh nhau, bị cáo không biết, nhưng khi được rủ đi đánh nhau để trả thù thì bị cáo mới chở đi”. Tại tòa, cả Vỹ và Thắng cho biết, khi biết Tấn đã chém Nguyễn Văn Tập thì cả bọn nhảy lên xe bỏ chạy: “Lúc đó thấy sợ nên bỏ chạy, chứ hoàn toàn không biết việc mình làm gây ra hậu quả như vậy”. Và mức án 10 năm tù giam dành cho mỗi bị cáo cũng chính là bài học cảnh tỉnh nhiều người.
Chú trọng tuyên truyền về chế định đồng phạm
Theo quy định tại Điều 20, Bộ luật Hình sự thì đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố - kiểm sát điều tra - kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trị an - an ninh - ma túy, Viện KSND tỉnh, cho biết: “Hiện nay, tình trạng một vụ án có nhiều người cùng tham gia diễn ra rất phức tạp. Qua thực tế xét xử cho thấy có rất nhiều trường hợp đồng phạm khác nhau, tuy nhiên vẫn có thể chia làm hai dạng chính: phạm tội có tổ chức và phạm tội giản đơn (a dua). Điều đáng nói là đa số đồng phạm đều là thanh thiếu niên, đáng chú ý là giữa nạn nhân và các đồng phạm không hề thù oán nhau, không hề quen biết nhau, điều này cho thấy việc xem nhẹ tính mạng, sức khỏe của người khác trong một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, rất đáng báo động”.
Về vấn đề này, theo ý kiến của đại diện các cơ quan tố tụng, ngoài việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc vi phạm pháp luật một cách nghiêm minh, thì các hội, đoàn thể, địa phương, trường học cũng cần tăng cường công tác giáo dục pháp luật, đặc biệt chú trọng đến đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, trong đó nhấn mạnh đến chế định đồng phạm, nhằm hạn chế tội phạm hình sự.
K.ANH
Bản án quá nhẹ và như vậy sẽ thiếu tính răng đe. Đề nghị tòa xem xét và tăng thêm mức án cho những kẻ coi thường pháp luật.