Chủ động phòng, chống bệnh viêm da nổi cục
Để ngăn chặn dịch bệnh viêm da nổi cục bùng phát, ngành NN&PTNT tỉnh khẩn trương chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp cùng các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch; tiến hành tiêm vắc xin cho đàn trâu bò.
Theo Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn gia súc bắt đầu xuất hiện trở lại; ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 20.1.2022, đến nay xuất hiện lẻ tẻ ca bệnh tại các địa phương, đã có 234 con trâu bò mắc bệnh; trong đó số còn điều trị 146 con, 75 con khỏi bệnh, 13 con đã chết. Bệnh xảy ra chủ yếu ở số bê chưa tiêm phòng và bê 2 - 5 tháng tuổi được sinh ra từ những con mẹ chưa được tiêm phòng trong năm 2021.
Cán bộ thú y tiêm phòng cho đàn bê, nghé mới ở huyện Phù Mỹ. Ảnh: THU DỊU
Nhận định mức độ lây lan chậm hơn so với năm 2021, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương tập trung rà soát số lượng đàn bê, nghé chưa được tiêm phòng để tuyên truyền, vận động người chăn nuôi sớm tiêm phòng cho vật nuôi. Nhờ vậy, người chăn nuôi ở một số địa phương đã tích cực tự tiêm phòng. Theo đó, huyện Phù Cát đã tiêm được 3.025 con, Vân Canh ứng 4.000 liều vắc xin và đã cấp 3.000 liều cho xã có dịch Canh Vinh; Phù Mỹ đã lập kế hoạch tiêm phòng, trong đó tập trung tiêm phòng cho bê được sinh từ bò mẹ chưa tiêm năm 2021…
Cùng với tiêm phòng, các địa phương khẩn trương hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng dịch như: Tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, giữ ấm chuồng trại cho trâu bò trong các đợt mưa, rét...
Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho hay, ngay khi có thông tin xuất hiện bệnh VDNC, chúng tôi khẩn trương chỉ đạo các đơn vị, địa phương khoanh vùng, rà soát và dập dịch diện hẹp; tuyên truyền người dân chủ động phối hợp với thú y cơ sở thực hiện tiêm phòng đầy đủ.Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ, ý thức về bảo vệ tài sản của người chăn nuôi tăng lên, do đó, ngay khi có thông tin xuất hiện dịch bệnh VDNC trở lại, người dân chủ động báo với thú y cơ sở để tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Toàn huyện có 9.323 con bê, nghé thuộc diện tiêm phòng, đến nay, đã tiêm được gần 6.000 con. Cùng với đó, Trung tâm phối hợp rà soát tổng đàn trâu bò đã tiêm trong năm 2021 để xây dựng kế hoạch tiêm phòng định kỳ cho năm 2022 (vào kỳ tiêm phòng tháng 5.2022).
Ông Đặng Văn Đức ở thôn An Tường, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, cho biết: Năm 2021, đàn bò của gia đình đều dính bệnh, may mắn được chữa khỏi. Rút kinh nghiệm từ đợt dịch năm ngoái, ngay từ đầu năm, tôi đăng ký với lực lượng thú y cơ sở tiêm phòng cho 5 con bê, nghé mới sinh, đảm bảo đàn bò 13 con đều được tiêm đủ vắc xin. Cùng với đó, ông Đức thực hiện vệ sinh chuồng trại đầy đủ.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết, bệnh VDNC là bệnh do vi rút gây ra, chỉ có tiêm phòng đầy đủ mới kiểm soát được dịch bệnh. Số trâu bò đã tiêm phòng trong năm 2021 nay sinh trưởng và phát triển tốt, dịch bệnh chủ yếu xảy ra với số bê, nghé chưa được tiêm phòng. Do đó, từ nay đến hết ngày 10.3, các địa phương thực hiện rà soát toàn bộ đàn bê, nghé chưa được tiêm phòng, vận động người nuôi đăng ký với thú y cơ sở triển khai tiêm phòng cho số bê, nghé này. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng. Hiện, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT xuất cấp 10 tấn hóa chất tiêu độc sát trùng. Người chăn nuôi nên chủ động đăng ký tiêm vắc xin, phối hợp với lực lượng thú y cơ sở và chính quyền khi phát hiện dịch bệnh để kịp thời xử lý.
THU DỊU