Đề tài trang trí hiếm gặp trên đồ gốm Champa
Di sản văn hóa Champa còn lại đến nay trên đất Bình Định rất lớn. Trong đó, từ 6 khu lò gốm cổ đã phát hiện cho thấy gốm Champa rất phong phú về loại hình sản phẩm, chất liệu men, đề tài trang trí. Trong sưu tập đồ gốm Champa mà Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, một số hiện vật có đề tài trang trí rất hiếm gặp.
Trước tiên là một chiếc chóe in khuôn hình rồng - sản phẩm của lò gốm Gò Cây Me, ở xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn, 1 trong 6 khu lò gốm cổ Champa phát hiện trên đất Bình Định. Chóe có dáng cao, toàn thân tròn, miệng thẳng, cổ cao, thắt nhỏ lại so với thân, vai xuôi; trên vai có 5 tai dọc; thân phình và thon dần về đáy. Chóe không có chân đế, mặt đáy tương đối bằng phẳng. Chóe tráng men màu vàng đậm toàn bộ mặt ngoài, mặt đáy không tráng men. Xương gốm dày và cứng do nung ở nhiệt độ cao. Hoa văn trang trí rất sắc sảo theo kiểu in khuôn. Trên phần vai chóe chạm nổi dưới men hình 5 con rồng đang há miệng theo chiều kim đồng hồ, thân rồng ngắn, bốn chân có móng vuốt, mình chắc khỏe. Đáng chú ý hình tượng rồng trang trí này rất gần với rồng thời nhà Trần của Đại Việt. Đây là một hiện tượng rất lạ trong trang trí đồ gốm Champa - quốc gia và dân tộc vốn gắn bó với Ấn Độ giáo và gần như không thấy có hình tượng rồng trong đời sống, văn hóa tôn giáo.
Chóe in khuôn hình rồng phát hiện tại khu lò gốm Champa ở Gò Cây Me thuộc xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn. Ảnh: V. TUẤN
Một hiện vật khác là mảnh vỡ của một chiếc vò khá lớn, chỉ còn một phần đáy và thân, có in khuôn hoa văn hình mặt Kala cách điệu (là một trong 3 hình tượng quái thú của Ấn Độ giáo đó là: Kala, Makara và Naga), với khuôn mặt khá dữ tợn, mắt to lồi, lông mày xếch, miệng há rộng. Đây cũng là một đề tài trang trí rất hiếm gặp trên các sản phẩm gốm Champa và đến nay là hiện vật gốm duy nhất đã phát hiện có đề tài trang trí này .
Một hiện vật khác là chiếc hũ bị vỡ mất phần miệng, trên thân trang trí hoa văn hình con voi. Chiếc hũ này thu được trong cuộc khai quật giếng cổ Champa nằm trong thành Đồ Bàn thuộc thôn Bả Canh, phường Đập Đá, TX An Nhơn. Hũ đã bị vỡ phần miệng và một phần vai, có dáng tròn, vai nở, đáy thon, tráng men màu vàng da lươn. Trên thân hũ có trang trí hình con voi, nét vẽ chìm dưới men, hai chân đang bước tiến lên phía trước như kiểu voi trận. Voi không quá hiếm trong nghệ thuật điêu khắc Champa nhưng trang trí như đã thấy ở hiện vật vừa kể lại rất hiếm. Và đây cũng là một đề tài trang trí lần đầu tiên được phát hiện trên đồ gốm Champa.
Những đề tài trang trí hiếm gặp cho thấy vẫn còn những góc khuất, những tín hiệu văn hóa bị thất lạc cần được nghiên cứu giải thích thêm.
NGUYỄN VIẾT TUẤN