Góp phần gìn giữ bài chòi
Với trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, yêu nghệ thuật bài chòi dân gian, từ đầu năm 2011 đến cuối năm, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Phú (cán bộ Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước) đã tìm tòi, góp nhặt và sưu tầm gần 1.000 câu thai mang tên 27 con bài. Vừa qua, anh vừa ra mắt sách Câu thai bài chòi dân gian với 120 trang in.
Có thể nói, tập sách góp phần lưu giữ những giá trị quý báu trong kho tàng văn hóa dân gian; nhân rộng, phổ biến các câu thai đến các nghệ nhân và những người yêu thích nghệ thuật bài chòi; phục vụ hoạt động nghiên cứu, giảng dạy ngoại khóa hoặc phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng.
NNƯT Nguyễn Phú chia sẻ: “Từ khi nghệ thuật bài chòi dân gian được tỉnh phục dựng vào năm 2011, tôi nghĩ cần phải sưu tầm để làm phong phú kho tàng câu thai còn lưu lại trong dân gian, vì hệ thống câu thai hiện tại cũng ở mức độ chưa nhiều. Vì thế, từ đóđến nay, tôi góp nhặt, sưu tầm, biên soạn và hợp tuyển nhằm lưu giữ và sử dụng trong hoạt động nghệ thuật bài chòi, nhất là hội đánh bài chòi dân gian địa phương”.
Gần 1.000 câu thai được NNƯT Nguyễn Phú sưu tầm từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn dân gian, từ các nghệ nhân, từ tài liệu sách báo và cả những khi đi hô hát. NNƯT Nguyễn Phú cho biết, gần 1.000 câu thai trong cuốn sách, có những câu chứa đựng nhiều nội dung cổ xưa, lời mộc mạc gần gũi với quần chúng, thể hiện được ngôn ngữ thuần Việt, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình người trong lao động, cũng như phê phán những thói hư tật xấu trong cộng đồng làng xóm.
Ví như con bài “Ba gà” trong từng câu thai lại được mô tả về ý tình khác nhau, nói về cái xấu trong mê tín: Chập chập rồi lại cheng cheng/ Con gà trống thiến để riêng cho thầy/ Đơm xôi thì đơm cho đầy/ Đơm mà vơi đĩa thánh thầy không thiêng. Ca ngợi về gương lao động trong làng xã, có câu thai: Anh ba làng tôi đẹp trai/ Anh có lắm tài, giỏi việc làm ăn/ Nuôi heo sinh sản nhiều đàn/ Gà nuôi đàn đàn trứng đẻ hàng trăm/ Bà con mới đặt tên anh/ Người chăn nuôi giỏi nổi danh Ba gà. Hoặc về chữ hiếu có câu thai: Một năm có ngày giỗ cha/ Khổ nghèo cũng phải Ba gà mới ưng.
Theo NNƯT Nguyễn Phú, để bảo tồn và phát triển nghệ thuật bài chòi dân gian rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng; không chỉ ở việc trao bằng nghệ nhân và tôn vinh nghệ thuật bài chòi mà cần có kế hoạch sưu tầm biên soạn câu thai, công tác bảo tồn và tập huấn, nhất là hỗ trợ để nghệ nhân được in tài liệu, sách, phát hành những câu thai mẫu, hướng dẫn cách hô hát câu thai, phổ biến trong sinh hoạt bài chòi dân gian, cốt là để gìn giữ cái gốc, từ đó việc phát triển bài chòi dân gian không bị pha lẫn, dị bản với các loại hình nghệ thuật khác.
“Cuốn sách tài liệu Câu thai bài chòi dân gian của tôi cũng xuất phát từ mục đích ấy”, NNƯT Nguyễn Phú cho biết thêm.
TRỌNG LỢI