Ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo vệ rừng
Những năm gần đây Chi cục kiểm lâm (Sở NN&PTNT) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, nhờ đó mang lại nhiều kết quả tích cực.
Theo kế hoạch, trong năm 2022, toàn ngành phấn đấu bảo vệ 100% diện tích rừng tự nhiên, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 56,8%. Để đạt được mục tiêu này, cùng với hoạt động chuyên môn, Chi cục kiểm lâm gia tăng ứng dụng công nghệ trong hoạt động chuyên môn. Đến nay, Chi cục sử dụng các ứng dụng chuyên ngành như FRMS - phần mềm cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS), Vtools for MapInfo, máy định vị GPS… nhằm phát hiện và cảnh báo sớm các thay đổi bất thường giúp kịp thời cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; phát hiện sớm những khu vực bị mất rừng để xác định nguyên nhân, ngăn chặn, xử lý theo quy định.
Cán bộ kiểm lâm Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn sử dụng ứng dụng FRMS để cập nhật diễn biến rừng. Ảnh: THU DỊU
Các ứng dụng cảnh báo sớm bất thường (phá rừng, cháy rừng...) phần nào hạn chế tình trạng mất rừng. Chẳng hạn năm 2021, trên địa bàn tỉnh giảm 3 vụ so với năm 2020, giảm 10 vụ so với năm 2019; trong đó diện tích cháy rừng kéo giảm từ 150 ha trong năm 2019 xuống còn 29 ha trong năm 2021. Hiện toàn tỉnh quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích các loại đất, loại rừng thuộc quy hoạch lâm nghiệp hơn 379,9 nghìn ha, trong đó rừng tự nhiên 214,3 nghìn ha và hơn 127 nghìn ha rừng trồng.
Ông Hoàng Minh Trí, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn, cho biết, các ứng dụng chuyên ngành tạo thuận lợi lớn cho hoạt động chuyên môn của đơn vị. Trong năm 2021, Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn đã kịp thời cập nhật diễn biến rừng cho 2.172 ha diện tích rừng có thay đổi trên địa bàn quản lý của Hạt. Cùng với đó, nhờ hệ thống cảnh báo cháy, Hạt cũng đã cảnh báo sớm 77 điểm cháy, hạn chế được thiệt hại do cháy rừng gây ra. Ưu điểm của các ứng dụng này là giúp lực lượng kiểm lâm địa bàn nắm bắt kịp thời các thay đổi bất thường liên quan tới rừng trên địa bàn quản lý, có giải pháp chủ động trong bảo vệ rừng tốt hơn. Năm 2022, Hạt sẽ đẩy mạnh việc sử dụng các ứng dụng để gia tăng hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng.
“Nếu trước đây, việc phát hiện một đám cháy dựa vào dấu hiệu nhận biết là khói phát ra hoặc là các đợt tuần tra kiểm tra rừng, nay việc cảnh báo và phát hiện cháy dựa trên ứng dụng qua ảnh vệ tinh thu thập, phân tích. Chúng tôi dựa vào thay đổi đó để soi ảnh vệ tinh tới chính xác địa điểm nghi cháy để xác minh và kịp thời triển khai công tác chữa cháy. Ứng dụng này cho phép thu thập dữ liệu chính xác tới từng lô, từng khoảnh rừng”, anh Lê Thanh Quân, cán bộ phụ trách khai thác ứng dụng công nghệ thông tin của Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn, chia sẻ.
Theo Chi cục, hiện các hạt kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đều được chuyển giao các ứng dụng chuyên ngành phục vụ công tác bảo vệ rừng. Ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết, trong thời gian tới, Chi cục chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là sử dụng các phần mềm ứng dụng, thiết bị, ảnh viễn thám trong công tác theo dõi diễn biến rừng, PCCC rừng và phát hiện các vụ vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.
“Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho quản lý rừng, theo dõi tình hình diễn biến rừng nhằm triển khai bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả. Theo đó, trên cơ sở đề xuất từ Chi cục Kiểm lâm, Sở NN&PTNT làm việc với Sở Tài chính bố trí kinh phí cho Chi cục Kiểm lâm trong việc thuê, mua ảnh vệ tinh giám sát tình hình diễn biến rừng; đầu tư thêm phần mềm kết nối dữ liệu liên quan (kết nối dữ liệu từ quan trắc, khí tượng thủy văn…) trong dự báo và cảnh báo cháy rừng”.
Giám đốc Sở NN&PTNT TRẦN VĂN PHÚC
THU DỊU