Tập hát Quốc ca
Bích - con tôi năm nay lên lớp 1. Hôm rồi cô nhỏ về nhà khoe với ba: Ba ơi, trong giờ hát nhạc, cô dạy lớp con hát Quốc ca đó!
Nghe con gái thủ thỉ trong vui mừng, chồng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên: Sao lại học hát Quốc ca sớm thế?
Con bé tròn xoe mắt, miệng mỉm cười, giọng nhanh nhảu giải thích: Cô con bảo phải thuộc bài Quốc ca trước để sáng thứ Hai mỗi tuần sẽ hát khi chào cờ trên trường mà. Con thích bài hát đó lắm… Ba tìm trên máy tính rồi in ra cho con tập hát nghe ba!
- Ừ. Để tí ba in cho con!
Đợi con đi khuất, tôi nói với chồng: Nhà trường làm thế là đúng đấy anh. Phải dạy cho bọn nhỏ biết hát Quốc ca, bởi đó cũng là cách giáo dục lòng yêu nước, cảm nhận được sự thiêng liêng cũng như lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ.
Rồi nghĩ đến việc chào cờ trong cơ quan, trường học hiện nay, tôi thủ thỉ với anh: Quốc ca là biểu trưng bằng âm thanh của một quốc gia. Và việc hát Quốc ca cũng trở thành một tập quán mang tính nghi lễ của tất cả các nước trên thế giới, trở thành niềm tự hào về những giá trị thiêng liêng của dân tộc. Từ những người lính ngoài mặt trận cho đến những vận động viên trên các đấu trường quốc tế, khi quốc ca vang lên luôn gây xúc động bởi ý chí và sức mạnh của cộng đồng… Em thấy bây giờ mình ít hát Quốc ca quá!
Nghe tôi nói, chồng tôi chia sẻ: Ừ, ở cơ quan anh mỗi khi họp hành có mục chào cờ cũng chỉ làm đại khái. Mở bài hát đã thu sẵn lên, xong mọi người chỉ cần đứng im lặng chờ cho xong bài hát, nghe hiệu lệnh là ngồi xuống. Thế là xong.
- Cơ quan anh không phải là ngoại lệ. Đọc trên báo, thấy người ta phản ánh đầy về chuyện chào cờ, hát quốc ca. Nào là dùng bài hát đã thu sẵn như anh nói; nào là một số trường học, học sinh không hiểu chào cờ và hát quốc ca để làm gì; thậm chí còn hát sai lời…
- Ừ. Em nói cũng đúng. Có lẽ rồi anh cũng phải đề xuất cơ quan anh cho tự hát quốc ca mới được. Cũng hay chứ.
LÊ THỊ XUYÊN