SỐ LƯỢNG MẮC COVID-19 CÓ XU HƯỚNG TĂNG:
Nhắc nhở học sinh thực hiện biện pháp phòng dịch
Theo ghi nhận của nhiều địa phương trong tỉnh, tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng. Do vậy, các bác sĩ đang tích cực khuyến cáo phụ huynh, nhà trường nên thường xuyên nhắc nhở các em thực hiện các biện pháp phòng dịch và được chăm sóc tốt để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Trẻ em mắc Covid-19 tăng
Ghi nhận tại TP Quy Nhơn, tại 2 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 của thành phố đặt tại đường Trần Hưng Đạo và đường Phan Bội Châu có 170 bệnh nhân, trong đó có khoảng 40 bệnh nhân là trẻ em từ 15 tuổi trở xuống. Theo bác sĩ CKII Bành Quang Khải, Phó Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn, gần đây, số trẻ em mắc Covid-19 ở TP Quy Nhơn tăng hơn so với trước kia. Tại 2 cơ sở điều trị nội trú có nhiều cháu sốt cao nhưng không ghi nhận trường hợp có tổn thương phổi nặng nề do Covid-19.
Khám sàng lọc cho học sinh trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: THU HIỀN
Tương tự, tại BVĐK tỉnh, TS.BS Võ Bảo Dũng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, cho biết: Bệnh nhi mắc Covid-19 trước đây rất ít, đa số là sơ sinh, mổ đẻ theo mẹ nhưng bây giờ đã bắt đầu có trẻ em ở nhiều lứa tuổi. Với nhóm đối tượng này thì rất ít ca nặng trừ những trường hợp vào viện vì có bệnh lý khác đã nặng rồi. Vừa qua, Bệnh viện ghi nhận khoảng 10 ca trẻ em mắc Covid-19 có các bệnh nền, như: Bệnh động kinh, ung thư, dị tật bẩm sinh có nguy cơ cao. Triệu chứng khi mắc Covid-19 của trẻ em hầu hết nhẹ hơn so với người lớn. Đến nay, số trẻ tử vong do Covid-19 tại BVĐK tỉnh chỉ có 1 ca và đây là bệnh nhân ung thư. Còn các cháu sốt cao, co giật, hay có vấn đề gì đó về cấp tính đều được điều trị khỏi bệnh, kể cả trẻ sơ sinh.
Bác sĩ Võ Bảo Dũng khuyến cáo: Về vấn đề hậu Covid-19, đây là vấn đề chủ yếu gặp ở người lớn, còn trẻ em do nhận thức xã hội, môi trường đơn giản hơn, khi mắc bệnh đều có người nhà theo chăm nên tác động về tâm lý không nhiều. Hậu Covid-19 ngoài những tổn thương dovi rút gây ra còn là sang chấn tâm lý trong quá trình điều trị. Do vậy, hậu Covid-19 thường xảy ra ở nhóm bệnh nhân nặng, phải nằm viện điều trị dài ngày, khi chăm sóc trẻ phụ huynh cũng nên lưu ý vấn đề này.
Chú ý giúp trẻ phòng tránh Covid-19
Tại Tuy Phước, khi số trẻ mắc Covid-19 tăng hơn so với đợt trước, huyện áp dụng biện pháp cách ly, chăm sóc tại nhà đối với những em không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ và cách ly, điều trị tại cơ sở y tế nếu có triệu chứng nặng.
Đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 95,9% trẻ từ 12 - 17 tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin. Ảnh: Đ. THẢO
Bác sĩ CKII Dương Ngọc Hùng, Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước, cho biết: Trẻ em đi học trực tiếp trở lại nên số trường hợp mắc Covid-19 có tăng hơn so với thời gian trước. Nếu ghi nhận trong lớp học có trường hợp F0 thì cho em đó nghỉ học để chăm sóc, điều trị; các em là F1 đã tiêm vắc xin thì được nghỉ cách ly tại nhà 5 ngày, sau đó xét nghiệm tầm soát nếu âm tính thì tiếp tục đến lớp. Khi ghi nhận nhiều F0 thì căn cứ theo quy định mà xử lý chuyển cách thức dạy học.
Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện đã tổ chức tiêm chủng được 140.802 liều vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, đạt tỷ lệ 99,4%; 135.803 trẻ đã được tiêm chủng đủ 2 mũi, đạt tỷ lệ 95,9%.
Đối với việc điều trị trẻ em mắc Covid-19, bác sĩ Dương Ngọc Hùng chia sẻ thêm: Cách đây 1 tuần, Bộ Y tế mới hướng dẫn phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 là trẻ em. Đối với trẻ em chủ yếu điều trị triệu chứng, sốt cao thì hạ sốt, nghẹt mũi thì cho dùng thuốc, nhỏ mũi. Bên cạnh đó, phải chú ý vấn đề dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
Về việc phòng tránh Covid-19 cho trẻ em, bác sĩ Bành Quang Khải hướng dẫn: Vấn đề này phụ thuộc vào sự chăm sóc, hướng dẫn của người lớn. Cha mẹ, người chăm sóc hướng dẫn cho các cháu thực hiện đúng nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Đối với trẻ em, nếu nói 5K các cháu sẽ không nhớ nên phải nói cụ thể, như ra đường phải mang khẩu trang, thường xuyên rửa tay, tránh những tiếp xúc không cần thiết. Trong giai đoạn dịch này, các cháu nên vui chơi trong nhà, không tụ tập bạn bè, chòm xóm vì không ai biết cháu nào bị F0, chơi chung lại lây nhiễm nhau. Khi đi học, phụ huynh nhắc nhở các cháu làm theo hướng dẫn của thầy cô giáo, ví dụ như ngồi tại chỗ, lớp nào sinh hoạt lớp đó không nên tiếp xúc giữa các lớp.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch tại trường học, các trường nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn. “Các biện pháp phòng dịch tại trường như: Đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn... được đảm bảo thực hiện. Phương án xử lý khi phát hiện F0 là giáo viên và học sinh được lên kịch bản sẵn sàng. Đồng thời, trường cũng liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để kịp thời phát hiện các trẻ có biểu hiện lâm sàng của bệnh”, cô Huỳnh Thị Như Thùy - Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Sen Hồng, TP Quy Nhơn, cho biết.
ĐỖ THẢO