Chú trọng bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu mà còn góp phần đưa đặc sản địa phương vươn xa. Chính vì vậy, đầu tư để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đang được hết sức chú trọng.
Bình Định có nhiều đặc sản có chất lượng cao, giàu tính riêng, gắn với địa danh địa phương, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận, như: Mai vàng Nhơn An, cá ngừ đại dương Bình Định, nước mắm truyền thống Tam Quan, chả cá Quy Nhơn, nem chả Chợ Huyện, bánh ít lá gai Bình Định, nón lá Gò Găng, bưởi Hoài Ân... Chị Lê Thị Hồng Nga (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Cứ về thăm Bình Định là kiểu gì tôi cũng phải mua nước mắm và bánh ít lá gai về làm quà. Nước mắm thì có nhiều loại nhưng mùi vị nước mắm Tam Quan thơm ngon, đậm đà không lẫn vào đâu do được làm từ cá cơm tươi và chưng cất thủ công theo công thức gia truyền. Bánh ít cũng vậy, hầu như chỉ có Bình Định mới có bánh ít lá gai. Bánh có mùi hương đặc trưng, chủ yếu làm từ lá gai do người dân tự trồng và chế biến thủ công”.
Mai vàng Bình Định là sản phẩm đầu tiên của tỉnh được đầu tư để tiến tới được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: HỒNG HÀ
Thời gian qua, tỉnh ta ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho đặc sản địa phương, nhằm nâng cao uy tín, giá trị kinh tế của các sản phẩm.
Theo Sở KH&CN, việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, nhất là nhãn hiệu, đã được các cá nhân, DN quan tâm nhiều hơn. Số lượt cá nhân, đơn vị tìm hiểu và tiến hành các thủ tục đăng ký tăng dần. Trong đó, các nhãn hiệu mang tính sở hữu cộng đồng (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý) gắn với địa danh được các địa phương quan tâm. Tính đến nay, Bình Định có hơn 50 nhãn hiệu (chứng nhận và tập thể) được đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, trong đó 42 nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.
Tuy nhiên, Bình Định hiện vẫn chưa có sản phẩm nào được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cho biết: “Cả nước hiện có 106 sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Bình Định có nhiều sản phẩm đặc thù, đặc trưng có giá trị cao nhưng tiếc là đến nay chưa có sản phẩm nào được bảo hộ”.
Sản phẩm để được bảo hộ cần có nguồn gốc địa lý từ địa phương cũng như danh tiếng, chất lượng, đặc tính phù hợp với điều kiện địa lý địa phương. Nhờ vậy, bảo hộ chỉ dẫn địa lý như một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân địa phương. Lấy ví dụ như vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giá trị sản phẩm đã được nâng lên gấp ba lần và sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp, thâm nhập nhiều thị trường khó tính như: Australia, Pháp, Mỹ, Nhật Bản….
Xác định được tầm quan trọng của bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đầu năm nay, Sở KH&CN khởi động dự án đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định. Dự án nằm trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 được Bộ KH&CN phê duyệt.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh TX An Nhơn, chia sẻ: “Những người trồng mai cảnh chúng tôi rất vui mừng khi mai vàng Bình Định trở thành sản phẩm đầu tiên của tỉnh được đầu tư để tiến tới được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Để phát huy và khai thác hiệu quả giá trị của cây mai vàng, chúng tôi sẽ quan tâm ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào chăm sóc, đồng thời tạo ra những sản phẩm mai vàng được thị trường ưa chuộng nhất”.
Nói về dự định sắp tới, TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: “Sau khi bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho mai vàng, Sở KH&CN sẽ tiếp tục chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm khác trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, trong đó có sản phẩm yến sào Bình Định”.
Các địa phương cũng đang chủ động xây dựng kế hoạch phát triển các loại cây thế mạnh, đặc thù, tạo tiền đề cho việc hướng tới xây dựng chỉ dẫn địa lý. Trong bối cảnh dịch Covid-19 và những biến đổi khó lường của thị trường, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý được kỳ vọng sẽ trở thành tấm vé thông hành để các đặc sản của tỉnh “ra biển lớn”. Tuy thế, để thúc đẩy hoạt động này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người sản xuất và các bên liên quan. Bản thân DN cũng cần liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững thương hiệu.
HỒNG HÀ