Chuyện về những thầy thuốc “đặc biệt”
Ngoài trách nhiệm về chuyên môn của một người thầy thuốc, những y sĩ, điều dưỡng đang công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn gắn bó với bệnh nhân bằng sự yêu thương, cảm thông, chia sẻ.
Công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn 25 năm, chị Huỳnh Thị Việt - Trưởng phòng Y tế của đơn vị, cho biết có rất nhiều kỷ niệm khi làm việc tại đây. Chị cho hay: “Những ngày đầu ở đây, tôi cảm thấy rất sợ vì những bệnh nhân thể nặng, khi mới vào họ thường xuyên bị kích động, rượt đánh bất kỳ ai và y sĩ, điều dưỡng cũng không ngoại lệ. Nhưng chúng tôi vẫn phải ghì họ lại để tiêm thuốc giúp họ cắt cơn. Điều mình hạnh phúc nhất là khi tình trạng kích động của bệnh nhân giảm, họ có thể trò chuyện với mình, tự ăn, tự vệ sinh, vui đùa với nhau, họ nhận ra mình đã chăm sóc, điều trị cho họ và nói lời cảm ơn mình”.
Nhân viên y tế trò chuyện, lắng nghe tâm tư của bệnh nhân. Ảnh: A.N
Hằng ngày, chị Lê Thị Lan Viên vượt 25 km từ thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân) đến làm việc tại Trung tâm. Chị luôn nhiệt huyết với nghề và tìm thấy được niềm vui khi chăm sóc bệnh nhân. “Bệnh nhân ở đây đặc biệt nên mình cũng phải đối xử với bệnh nhân theo cách đặc biệt. Để bệnh nhân uống thuốc có khi mình phải dỗ dành, cầm thuốc đưa tận tay, tận miệng. Có những trường hợp không hợp tác, phải nghiền thuốc và áp chế để họ uống”, chị Viên chia sẻ.
Trung tâm hiện có 8 y sĩ, điều dưỡng và hiện đang tiếp nhận, quản lý, trợ giúp, nuôi dưỡng và chăm sóc y tế cho 524 đối tượng thuộc dạng khuyết tật thần kinh, tâm thần được cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên chẩn đoán/kết luận là tâm thần phân liệt; người tâm thần lang thang, không nơi cư trú.
Chính vì đặc thù của bệnh nhân nên những nhân viên y tế luôn tận tâm, đồng cảm để giúp bệnh nhân từng bước khôi phục được các kỹ năng sống. Hiện nay, cùng với việc dựa theo phác đồ điều trị của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Trung tâm cũng đã áp dụng nhiều mô hình, sáng kiến trong chăm sóc, nuôi dưỡng điều trị cho bệnh nhân tâm thần để giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe và có niềm vui sống.
Ông Trần Hoàng Ngưu - Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Chúng tôi luôn nhắc nhở nhân viên phải xem bệnh nhân như người nhà thì mới có thể hỗ trợ họ được. Hầu hết số đối tượng Trung tâm đang nuôi dưỡng đều có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, hộ nghèo, có nhiều bệnh tật nguy hiểm dễ tử vong, sức khỏe sa sút. Khó khăn nhất là số đối tượng lang thang được tập trung đưa vào, không khai thác được quê quán, nơi cư trú, thân nhân nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực chăm sóc, điều trị, giúp bệnh nhân ổn định hành vi”.
ÁNH NGUYỆT