Tổ chức Lễ hội Đô thị Nước Mặn đảm bảo phòng dịch
(BĐ) - Từ ngày 2 - 4.3 (tức ngày 30 tháng Giêng đến mùng 2.2), tại di tích Chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), người dân địa phương tổ chức lễ hội Đô thị Nước Mặn.
Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban quản lý di tích Chùa Bà, cho biết: “Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, năm nay huyện Tuy Phước chỉ cho phép tổ chức các phần nghi lễ chính trong nội bộ, như: Cúng nghinh thần - rước sắc, tế Bà, lễ cầu an; không tổ chức các nghi lễ khác và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí như mọi năm”.
Do tiết giảm quy mô tổ chức Lễ hội Đô thị Nước Mặn, nên lượng khách đến viếng Chùa Bà năm nay giảm hơn 50% so với mọi năm. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Do tiết giảm quy mô tổ chức, nên lượng khách đến viếng Chùa Bà giảm hơn 50% so với mọi năm, nhưng phần lễ vẫn diễn ra trang nghiêm theo nghi thức truyền thống. Bên cạnh việc tổ chức bảo vệ an ninh trật tự, huyện Tuy Phước và chính quyền địa phương chú trọng bố trí lực lượng hướng dẫn người dân đi lễ chùa tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch.
Lễ hội Đô thị Nước Mặn hay còn gọi là Lễ hội Nước Mặn, Lễ hội Cảng thị Nước Mặn, Lễ hội Chùa Bà Nước Mặn là một trong những lễ hội ra đời rất sớm ở Bình Định, cách đây gần 400 năm. Lễ hội là một hồi ức về cảng thị lớn nhất phủ Quy Nhơn thuở trước, đã suy tàn và hóa thân thành thành phố biển Quy Nhơn ngày nay. Tháng 8.2021, UBND tỉnh trình hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét, ghi danh Lễ hội Đô thị Nước Mặn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Một số hình ảnh Phóng viên Báo Bình Định ghi nhận tại di tích Chùa Bà trong sáng 3.3 (mùng 1.2 âm lịch):
Người viếng lễ trong chính điện Chùa Bà cũng rất trật tự, không có cảnh chen lấn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Người trong ban tổ chức sắp xếp lễ phẩm cho người dân đến dâng cúng trong chánh điện Chùa Bà để hạn chế tập trung đông người. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Người dân sát khuẩn trước khi vào cúng trong chánh điện Chùa Bà. Ảnh: NGỌC NHUẬN
NGỌC NHUẬN